* Xem toàn bộ những bức ảnh tham gia triển lãm tại đây
Khách mời xem những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam trưng bày tại triển lãm - Ảnh: Dương Ngọc
Sáng nay 12-6, Triển lãm ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến tranh” của Hãng thông tấn hàng đầu thế giới Associated Press (AP) đã chính thức khai mạc tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Lần đầu tiên, 58 bức ảnh tiêu biểu trong bộ ảnh quý của Hãng Thông tấn AP về cuộc chiến tranh Việt Nam được trưng bày tại triển lãm mở cửa miễn phí từ 12-6 đến ngày 26-6. Đó là những bức ảnh đặc sắc nhất trong bộ sưu tập ảnh đồ sộ của AP, từ bức ảnh của Malcolm Browne chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường phố Sài Gòn để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đến bức ảnh Cô bé Napalm của Nick Út.
Đánh giá cao việc AP tổ chức Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết đây là những bức ảnh tiêu biểu trong cuốn sách ảnh chiến tranh Việt Nam, một bộ sưu tập ảnh của những phóng viên ảnh xuất sắc nhất của AP, ghi lại những khoảnh khắc, những thảm kịch đối với đất nước và người dân Việt Nam một cách chân thực và ấn tượng nhất. “Những bức ảnh này như một lời nhắc nhớ chúng ta về sự tàn khốc của chiến tranh để chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và tự do” - ông Sơn phát biểu tại lễ khai mạc.
Trước đó, tại lễ cắt băng khai trương triển lãm tối 11-6, ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hãng Thông tấn AP, cho biết các bức ảnh được lấy ra từ cuốn sách ảnh của AP được hoan nghênh rộng rãi “Việt Nam - cận cảnh cuộc chiến” được xuất bản 2 năm trước nhằm kể lại câu chuyện về cuộc chiến tranh bằng hình ảnh. Sau khi kết thúc triển lãm, các bức ảnh sẽ được trao tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Trong những năm chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, Hãng Thông tấn AP đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa tin về cuộc chiến. Nhiều phóng viên của hãng sống ở Việt Nam hơn 10 năm hoặc lâu hơn thế. Các phóng viên ảnh và phóng viên viết bài của AP đoạt 6 giải Pulitzer, giải thưởng cao qúy nhất dành cho phóng viên, trong đó có 4 giải thưởng dành cho ảnh.
Máy bay trực thăng Mỹ bay và binh lính Nam Việt Nam trong một trận càn cách Tây Ninh 28 km về phía Bắc, gần biên giới Campuchia tháng 3-1965. Tác giả: Horst Faas - Hãng thông tấn AP. Ảnh do Văn phòng Hãng Thông tấn AP tại Hà Nội cung cấp
Ông Gary Pruitt cho biết rất phấn khích được đi cùng Nick Út, phóng viên ảnh của AP - Một người nổi tiếng ở Việt Nam và cũng nổi tiếng trên thế giới vì bức ảnh của ông, một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới “Cô bé Napalm” đoạt giải Pulitzer năm 1973.
“Các bức ảnh mà Nick và các phóng viên ảnh khác của AP chụp trong những năm tháng chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam là lăng kính mà qua đó người dân trên thế giới biết về cuộc chiến tranh này. Nhưng điều này cũng dẫn đến căng thẳng giữa các quan chức và báo chí. Ngoài việc tính mạng bị đe dọa, Nick, các đồng nghiệp và Hãng Thông tấn AP còn chịu áp lực từ các giới chức cao nhất trong Chính phủ ở Mỹ, nơi đôi khi họ bị cáo buộc làm hủy hoại các nỗ lực quân sự” - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AP chia sẻ.
Ông Pruitt cũng cho biết các biên tập viên của AP đã phải tranh luận gay gắt liệu có cho phát bức ảnh của Nick hay không bởi vì bức ảnh này có nhiều minh họa ghê rợn. Cuối cùng, AP quyết định rằng bức ảnh này cho thấy một khía cạnh quan trọng của cuộc chiến tranh và phải được mọi người biết đến.
Bị bỏng nặng trong cuộc tấn công bằng bom Napalm, trẻ em chạy gào thét kêu cứu dọc đường 1 gần Trảng Bàng, phía sau là lính của Sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa ngày 8-6-1972. Cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, (ở giữa) đã cởi quần áo vì bị bỏng napalm. Những trẻ em khác (từ trái) là anh của cô Phan Thanh Tâm, người bị mất một mắt và Phan Thanh Phước và anh em họ Hồ Văn Bốn và Hồ Thị Ting. Bức ảnh này của Nick Ut đã giành được giải Pulitzer cho ảnh thời sự năm 1973. Ảnh do Văn phòng Hãng Thông tấn AP tại Hà Nội cung cấp
Vài ngày trước ngày khai trương triển lãm ảnh, phóng viên ảnh Nick Út đã về thăm lại nơi ông đã chụp bức ảnh nổi tiếng đó ngày 8-6-1972 gần Trảng Bàng, ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn trước đây). Nick Út đã ghi lại chuyến thăm qua tài khoản Instagram của AP Images, kể lại những gì ông nhìn thấy và cảm nhận trong những giây phút chụp bức ảnh đó và góc nhìn của ông 40 năm sau.
Các cuộc triển lãm ảnh tương tự với những bức ảnh được lấy từ cuốn sách ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến” đã được tổ chức tại Phòng tranh Steven Kasher ở New York và trụ sở chính của báo Guardian ở Luân Đôn.
Hãng Thông tấn AP là tổ hợp tin tức toàn cầu quan trọng, cung cấp tin tức nhanh chóng, không thiên vị từ mọi nơi trên thế giới cho các loại hình truyền thông và thể loại báo chí. Thành lập năm 1846, AP ngày nay là nguồn cung cấp tin tức và thông tin độc lập đáng tin cậy nhất. Trong một ngày, hơn một nửa dân số thế giới đọc tin của AP. Trang web của AP: www.ap.org.
Bình luận (0)