Đà Nẵng: Từ sáng 9-11, khắp các ngã đường, tuyến phố ở Thành phố (TP) Đà Nẵng, dòng người hối hả, đổ xô lo chống bão. Hầu hết các hoạt động khác đều hoãn lại để tập trung chống bão.
Tranh thủ mua bao đựng cát
Người dân đi mua cát về để chằng chống nhà cửa
Các dịch vụ bán cát, bán bao đựng cát trở nên đắt hàng chưa từng có. Theo ghi nhận tại các tuyến đường Lê Độ, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành,… các điểm bán cát có hàng trăm người đến chen lấn để được mua.
Tại đường Ông Ích Khiêm, đoạn đối diện chợ Cồn, hàng chục tiểu thương cũng tranh thủ mua bao đựng cát để tràn ra lề đường bán cho người dân. Giá mỗi bao loại 20 kg ngày thường chỉ khoảng 2.000 đồng nay tăng lên 5.000 đồng. Những người tiết kiệm chọn phương án mua bao cũ với giá 2.000 đồng/bao.
Giá một xe cát cũng được hét lên 120.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ khoảng 80.000 đồng.
Dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành-Đà Nẵng, hàng trăm người huy động xe máy lẫn xe ô tô con, xe tải lấy cát chở về nhà.
Ra biển xúc cát
Hàng trăm người đổ xô xúc cát tại bãi biển đường Nguyễn Tất Thành
Bà Hoàng Quế Đức (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết thức dậy từ 4 giờ sáng nhưng không mua được cát phải kéo cả nhà ra bãi biển để lấy. “Nghe nói lần này là siêu bão đến nên cả TP Đà Nẵng xôn xao. Nhà nhà đi lấy cát về để chằng chống” – Bà Đức nói.
Một số người dân cũng cho biết nhà ở gần bờ biển nên tranh thủ ra xúc cát đưa về bằng xe máy để đỡ tốn tiền. Một số dịch vụ bán cát trong thành phố giờ hét giá cao người dân không dám mua.
Bà Nguyễn Thị Tâm (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết cả hôm nay, gia đình bà dừng tất cả công việc, mọi thành viên trong gia đình đều ở nhà để lo chống bão. “Nhà tôi tập trung lo chống nhà cửa để bảo vệ tài sản. Đến giờ bão tới chắc phải sơ tán người đến nơi an toàn. Tôi chưa bao giờ có cảm giác lo lắng trước một cơn bão như thế này” – Bà Tâm chia sẻ.
Quảng Nam: Sáng 9-11, người dân ở các vùng ven biển của TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành của tỉnh Quảng Nam cũng khẩn trương chằng chống nhà cửa, tàu thuyền, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Ai cũng đều tỏ vẻ lo lắng, bất an.
Cùng con trai dùng dây tời buộc lại nhà cửa, ông Lê Nguyễn Thứ (44 tuổi, trú xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ), lo lắng: “Nghe nói bão mạnh lắm, nhà tôi chằng chống như thế này không biết có chịu được không. Sáng nay, tôi phải lo sắp xếp đồ đạc để chiều di dời đi nơi khác”.
Giúp dân chẳng chống nhà cửa
Dùng cát dằn mái nhà
Đưa tre về chằng chống nhà cửa
Một người đàn ông ở huyện Núi Thành trèo chặt dừa trước khi bão đổ bộ
Di chuyển vật dụng đến nơi an toàn
Cụ Lê Văn Ba (78 tuổi, trú xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cho biết đến hôm nay trời vẫn còn nắng như thế này chắc chắn bão rất mạnh.
Ngư dân đã chủ động buộc lại thuyền của mình một cách cẩn thận. Tuy UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương phải thông báo cho người dân đưa tàu thuyền vào nơi an toàn và cấm người ở lại trên tàu nhưng nhiều ngư dân nói dù bão thế nào họ cũng cử người ở lại để bảo vệ tài sản.
Không chỉ người dân vùng ven biển, sáng nay, tại TP Tam Kỳ, công tác chuẩn bị ứng phó bão cũng cấp tập. Họ di chuyển vật dụng, bàn ghế đến gửi ở những nhà chắc chắn. Các cửa hàng bán phụ tùng như bao tải, bao ni lông, dây buộc đều chật kín người.
Dân quân, bộ đội và cả lực lượng công an cũng đã được huy động để giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, chặt cây xanh ven đường đề phòng bão vào gây ngã đổ làm ách tắc giao thông khi xảy ra sự cố…
Về tình hình thiệt hại do mưa lũ, theo Trung tâm PCLB khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, tính đến sáng 9-11, đã có 1 người chết và 3 người mất tích, 1 người ở Quảng Ngãi bị thương do ngói rơi tránh đầu. 13 nhà ở Quảng Ngãi và Khánh Hòa bị đổ, sập, 142 nhà bị tốc mái…
Thừa Thiên - Huế: Để đối phó với siêu bão Haiyan, tỉnh Thừa Thiển – Huế đang chỉ đạo các hồ thủy điện xả nước để có dung tích phòng lũ trước khi bão vào. Cụ thể, đối với hồ Hương Điền xả xuống còn 57 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 1 m; hồ Bình Điền xuống cao trình 83 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 2 m. Hiện các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đang hoạt động an toàn.
Hiện mực nước trên sông Hương và sông Bồ đang rút. Trong đó sông Hương đang ở mức dưới báo động 2 là 0,21 m, sông Bồ dưới báo động 3 là 0,44 m. Nhiều nhà dân ở vùng hạ du vẫn còn ngập.
Tỉnh này đã lên phương án di dời 29.507 hộ dân với trên 113.000 nhân khẩu, trong đó theo kế hoạch phải sơ tán khẩn cấp 11.274 hộ dân với trên 50.000 nhân khẩu ở ven biển trước 13 giờ ngày 10-11. Các hộ dân này tập trung ở các huyện Phú Vang (25.463 nhân khẩu), huyện Phú Lộc (10.699 nhân khẩu)… đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay đã có 1.819 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 9 phương tiện ngoại tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn. Hiện không có phương tiện đánh bắt trên khu vực biển Thừa Thiên – Huế.
Sử dung cát để dằn nhà
Khiêng thuyền lên bờ
Sở Công thương tỉnh này cũng cho biết đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 230.000 lít xăng dầu các loại để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Các huyện miền núi A Lưới, Nam Đông cũng dự trữ hàng chục tấn gạo, muối và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác để phục vụ người dân khi có lụt bão xảy ra.
Ngoài ra, các địa phương hướng dẫn người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng bị ngập lụt… chủ động dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm tối thiểu 7 ngày cho gia đình mình.
Cảng vụ Thừa Thiên – Huế yêu cầu Cảng Chân Mây tổ chức sơ tán tất cả tàu thuyền trong vùng cảng này đến nơi an toàn trước khi bão vào. Đây là cảng nước sâu, tuy nhiên do nằm ở khu vực sóng lớn, gió mạnh nên thiếu an toàn cho các tàu neo đậu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới Thừa Thiên - Huế để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 14. Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Phú Hải, xã Phú Hải, huyện Phú Vang. “Cơn bão này rất đặc biệt, nhà yếu phải sơ tán dân, chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn. Với sức giật cấp 17, tôn, kính, ngói sẽ bay ngoài đường, vì vậy không để người đi lại khi bão đang đổ bộ. Với cấp độ giật mạnh như thế, nước ta chưa bao giờ có kinh nghiệm ứng phó nên phải phòng tránh tối đa, giảm thiểu thiệt hại” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
Trưa 9-11, một chiếc xà lan lớn của Công ty trục vớt Bến Lức tỉnh Long An, đang trục vớt tàu Onnekas One (Malaysia) bị nạn và mắc cạn ở bờ biển tỉnh Thừa Thiên-Huế đang trên đường vào bờ tránh trú bão Haiyan. Tuy nhiên, do cửa biển Thuận An nước chảy mạnh và sóng biển lớn nên không thể vào cửa được. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cử lực lượng đưa 9 thuyền viên trên xà lan vào bờ an toàn. Đối với tàu Tiến Đạt 09 đang mắc cạn tại bờ biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, từ ngày 6-11 đến nay, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cử lực lượng để hút 9 nghìn lít dầu DO trên tàu đưa vào bờ đề phòng sự cố chìm tàu và tràn dầu. Còn chiếc tàu do sóng lớn nên không thể lai dắt vào bờ, đành neo đậu tại chỗ.
Hà Tĩnh: Sáng nay 9-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ đã ký công văn hỏa tốc yêu cầu di dời khẩn cấp hơn 14 nghìn hộ dân với hơn 50 nghìn nhân khẩu thuộc các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… đến nơi trú ẩn an toàn. Theo đó, Kỳ Anh là huyện phải di dời nhiều nhất với 4.400 hộ dân, huyện Cẩm Xuyên 2.799 hộ dân, huyện Thạch Hà 1.164 hộ dân, Lộc Hà 3.650 hộ dân…
Từ sáng sớm 9-11, ngư dân Hà Tĩnh đã khẩn trương neo chắc tàu thuyền ở nơi an toàn...
... hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đã được neo chắc, sẵn sàng đương đầu với siêu bão Haiyan
Để chủ động đối phó với siêu bão Haiyan, trong đêm 8-11, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 4 đoàn xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương để chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với siêu bão; chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp, hướng dẫn nhân dân chằng chéo, gia cố lại nhà cửa.
Các đơn vị tuyến biển kiểm tra việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các đơn vị thường trực quân số 100%, túc trực 24/24 giờ. Đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng ứng phó với siêu bão.
Theo báo cáo nhanh, thì hiện 3.904 tàu với 14.175 lao động trên địa bàn Hà Tĩnh đã nắm được thông tin về bão Haiyan. Đến 9 giờ sáng nay 9-11 đang còn 112 phương tiện với gần 500 thuyền viên hoạt động trên biển và số tàu thuyền này cũng đã nhận được thông tin và đang vào nơi trú ẩn; đồng thời thực hiện lệnh cấm biển, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi.
Đối với các huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lưu vực công, hạ du hồ chứa, đặc biệt là hạ du các công trình thủy điện Hố Hô, Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác, Kim Sơn và Thượng Sông Trí khi phải xả lũ trong tình huống khẩn cấp, phải chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng phương tiện và lực lượng để chủ động ứng cứu và sơ tán dân đến nơi an toàn, đề phòng bị chia cắt, cô lập; chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
*Quảng Ngãi: Tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi, ngay từ sáng sớm, chính quyền đã yêu cầu người dân chèn chống lại nhà cửa, khẩn cấp di dời, sơ tán đến những địa điểm tránh trú bão an toàn.
Đến 10 giờ, tại các điểm được chọn làm nơi sơ tán người dân tránh trú bão đã có hàng chục ngàn người. Nhiều gia đình đã đưa người già, trẻ em đến trước, còn đàn ông, thanh niên được huy động ở nhà chèn chống nhà cửa, sau đó mới đến nơi tránh bão.
Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện toàn huyện Bình Sơn có 15.000 hộ dân ở các xã Bình Hải, Bình Trị, Bình Đông phải di dời tránh bão Haiyan. Hiện nay, người dân đã được di dời đến những địa điểm tránh trú bão an toàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm hỏi người dân đến địa điểm tránh trú bão Haiyan
Người dân di dời đến nơi trú bão
Ngoài Bình Sơn, hàng chục ngàn hộ dân ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa), Tịnh Khê, Tịnh Long (huyện Sơn Tịnh)… cũng được lệnh di dời để tránh bão Haiyan.
Cũng trong sáng 9-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến kiểm tra công tác di dời, ứng phó với bão Haiyan tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sau khi kiểm tra, nghe báo cáo tình hình, Phó Thủ tướng đã đến các địa điểm có người dân di dời động viên thăm hỏi người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng địa phương phải khẩn trương di dời, tổ chức nơi ăn chốn ở cho người dân, không để người dân nào gặp nguy hiểm, đói ăn thiếu mặc do bão.
*Phú Yên: Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, mặc dù khi vào đất liền, tâm bão Haiyan không quét qua địa phận tỉnh này nhưng ảnh hưởng của nó sẽ ngang với một cơn bão bình thường với sức gió cấp 8-12.
Khẩn trương xây kè để bảo vệ làng chài
Tỉnh này đã trích ngân sách 220 triệu đồng để xây kè khẩn cấp ở khu vực nam xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hoà) để bảo vệ trên 240 hộ dân nơi đây. Sáng 9-11, Ban Quản lý dự án Thuỷ lợi tỉnh Phú Yên cùng 8 xe tải, xe xúc, xe ủi và gần 100 người dân xóm Rớ dùng rọ chất đá xây kè để bảo vệ làng chài này. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cũng huy động gần 50 chiến sĩ ở Tiểu đoàn Bộ binh 85 tham gia cùng người dân xây kè chống bão.
Đồng thời, Phú Yên di dời những nhà dân nằm ở vùng trũng thấp gần biển, sông như thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu; xã An Phú, phường Phú Đông, phường 6 (TP Tuy Hoà); xóm An Vũ, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An đến nơi an toàn. Chủ trương của tỉnh này là di dời tất cả các hộ dân (dự kiến khoảng 30.000 hộ) nằm cách bờ biển 500m trở lại đến nơi an toàn.
Phần lớn tàu thuyền đã được đưa về các bến để tránh trú bão. Hiện tỉnh này còn 39 tàu câu cá ngừ đại dương đang trong vùng biển nguy hiểm nhưng cũng đã được vào các đảo ở quần đảo Trường Sa để tránh trú. Trong ngày, Nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ tiếp tục xả lũ với lưu lượng 4.800m3/ giây.
Bình luận (0)