Đây là lần thứ 5 PAPI được công bố và báo cáo lần này không chỉ nêu bật kết quả cấp tỉnh năm 2015 mà có so sánh qua 5 năm (2011-2015). Điểm số tổng hợp PAPI cho thấy 7 tỉnh - thành cải thiện nhiều sau 5 năm, trong khi có tới 13 tỉnh - thành giảm điểm mạnh. Trong số 6 nội dung của PAPI, ngoài chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” có sự tăng nhẹ qua các năm, 5/6 nội dung còn lại gồm: Chỉ số “Công khai, minh bạch”, “Kiểm soát tham nhũng”, “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Trách nhiệm giải trình của người dân” và “Thủ tục hành chính công” có xu hướng suy giảm đáng kể. Cụ thể, chỉ số “Công khai, minh bạch” giảm mạnh nhất (giảm 7% điểm so với năm 2014).
Đáng buồn, Hà Nội và TP HCM là 2 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của đất nước lại đứng gần chót bảng. Theo công bố, vấn đề khiến người dân quan ngại nhất là đói nghèo, tiếp đến là việc làm, điều kiện đường sá, giao thông, tham nhũng và tình hình an ninh, trật tự.
Một chỉ báo đáng báo động là tham nhũng vẫn tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng. Ước tính 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sở hữu đất trong năm vừa qua phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục trong năm 2015 - gia tăng đột biến gần gấp đôi so với tỉ lệ ước tính 24% năm 2014. Ở bệnh viện tuyến huyện/quận, tình trạng phải đưa tiền lót tay cho cán bộ để được chăm sóc tốt hơn vẫn “kiên trì” giữ ở tỉ lệ 12% như năm 2014. Cũng như vậy, các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong trường tiểu học công lập và trong dịch vụ hành chính công đều cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi… để nhận được dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng. Điều đáng ngại hơn là người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Chỉ có 37% (gần 1/3) số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương; hơn 60% số người được hỏi đánh giá ngược lại; nghĩa là gần 2/3 “mất lòng tin” tuyệt đối!
Suy cho cùng, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) mới là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền các cấp. Kinh nghiệm ở những địa phương nằm trong tốp có chỉ số PAPI cao như Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh, Long An... là chính quyền ở đây bắt đầu từ việc công khai, minh bạch, tăng cường quan tâm về việc giải trình, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng DN, từ đó đồng hành với DN để giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
Với bất kỳ chính sách nào, quan trọng hơn cả vẫn là khâu thực hiện. Chừng nào cán bộ, công chức, viên chức chưa thực thi hiệu quả những chủ trương, chính sách do Đảng và nhà nước đề ra thì chính sách sẽ vẫn chỉ ở trên giấy. Vì thế, cùng với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), PAPI trở thành hệ thống chỉ báo toàn diện và bền vững cho những hành động cần thực hiện đối với chính quyền các địa phương.
Bình luận (0)