Những ngày tháng 6-2014, dù trời yên biển lặng nhưng những tàu hàng dù trọng tải dưới 1.000 tấn khi “chạm” phao số 0 ở cửa biển Thuận An để vào cảng Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phải bắt đầu hành trình gian nan. Chỉ khi thủy triều lên cao, những chiếc tàu này mới chầm chậm tiến được vào cửa biển. Thuyền trưởng nào cũng phải vất vả mới điều khiển được tàu đi qua đoạn cửa biển chỉ dài chưa tới 500 m, từ phá Tam Giang đổ ra biển, vì bị bồi lấp khá nặng.
Hoạt động cầm chừng
Cửa biển Thuận An đã bồi lắng trong thời gian rất lâu. Trong khi một phía bờ luôn sạt lở nặng thì ở bờ bên kia, lượng cát bồi lấp hằng năm rất lớn khiến dòng chảy luôn thay đổi. Luồng lạch ra vào cũng vì thế mà khi thì nằm ở bên này, lúc chuyển sang bên kia. Ngay cả luồng lạch ra vào khi nước sâu nhất cũng chưa tới 2 m, thủy triều xuống thì có thể lội bộ được nên thậm chí tàu cá cũng khó lưu thông tại đoạn này.
Cách cửa Thuận An chưa tới 1 km là cảng Thuận An, do Công ty CP Cảng Thuận An quản lý. Dù chỉ cách TP Huế khoảng 15 km, cách KCN lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế là Phú Bài chỉ 25 km và có Quốc lộ 49A chạy qua nhưng cảng Thuận An không cho thấy sự tấp nập của giao thương đường thủy.
Cầu cảng Thuận An dài trên 90 m, được thiết kế để tiếp nhận được tàu 2.000 tấn và có thể cùng lúc cập được 3 chiếc nhưng khi chúng tôi đến thì chỉ có một tàu trọng tải dưới 1.000 tấn (loại nhỏ nhất Việt Nam hiện nay) neo đậu để vận chuyển bột sắn. Tại cầu cảng, có chưa tới 10 lao động làm việc. Cầu cảng này được thiết kế với công suất xếp dỡ 350.000-400.000 tấn/năm nhưng không thấy hàng hóa gì. Cạnh đó không xa, những xe cẩu nằm im vì đói hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Lễ, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Cảng Thuận An, cho biết đến đầu năm 2006, Thuận An là cảng biển đầu tiên của cả nước được cổ phần hóa, với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất (sở hữu trên 60% vốn). So với trước khi được cổ phần hóa, năm 2006 trở lại đây, lượng hàng vào cảng giảm dần, từ 250.000 tấn xuống còn 70.000 - 80.000 tấn/năm. Việc làm ít nên công ty phải giảm lao động từ 300 người xuống còn 60 người. Nguyên nhân, theo ông Lễ, là do cửa biển Thuận An bồi lấp quá nặng, cảng nước sâu Chân Mây cách đó chỉ khoảng 60 km nên được các chủ hàng chọn để trung chuyển.
“Cảng chúng tôi tính chi phí vận chuyển hàng bằng đường bộ ít hơn cảng Chân Mây nhưng tàu vào quá ít. Các tàu vào cảng này đều dưới 500 - 700 tấn, trên 1.000 tấn thì phải ghé cảng Chân Mây hạ tải, sau đó mới vào cảng chúng tôi. Vào mùa đông, tàu rất khó vào, cảng chỉ hoạt động cầm chừng vì thiếu việc” - ông Lễ cho biết.
Hàng qua cảng ít nên theo ông Lễ, Công ty CP Cảng Thuận An phải mở thêm một số dịch vụ nhằm tăng thu nhập cho lao động. Với khuôn viên trên 9 ha, cách đây gần 1 năm, công ty cho thuê đất làm sân bóng đá để có vài triệu đồng/tháng. Công ty cũng mở luôn dịch vụ đào tạo lái xe mô tô và cả kinh doanh xăng dầu ngay trong khuôn viên cảng. Việc kinh doanh xăng dầu lúc đầu với mục đích cung cấp nhiên liệu cho các thiết bị xe cơ giới của cảng nhưng giờ phải mở rộng để bán cho cả các tàu hàng, tàu cá của ngư dân. Năm 2010, công ty phải bán một tàu cũ công suất 450 tấn để đầu tư tàu vận tải...
Dù các dịch vụ này hoạt động rất có hiệu quả nhưng mức thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên chỉ trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng, mùa đông thì còn 3,6 - 3,7 triệu đồng. “Năm 2013, cảng tiếp nhận 90.000 tấn hàng hóa nhưng thu nhập bình quân của anh em chỉ 4,2 - 4,3 triệu đồng/người/tháng thôi” - ông Lễ ngậm ngùi.
Không có lãi
Cảng Kỳ Hà nằm ở cửa sông Trường Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Năm 2000, cùng với việc hình thành Khu Kinh tế Mở Chu Lai, cảng Kỳ Hà được xây dựng với diện tích 35.500 m2. Cuối năm 2012, tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (dài 11 km), tổng mức đầu tư trên 983 tỉ đồng, gồm 2 đoạn phân chia cho tàu 20.000 tấn và 10.000 tấn. Dự án bị người dân địa phương phản ứng dữ dội, nhiều lần ngăn cản vì cho rằng việc thi công gây sạt lở, hư hại nhà cửa của họ.
Dù tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng cảng Kỳ Hà lâu lâu mới có vài ô tô vào chở hàng nên nhân viên không phải làm việc nhiều. “Trước đây, chúng tôi làm việc 24/24 giờ không nghỉ thì nay chỉ làm ban ngày, thậm chí nhiều ngày không có việc” - một công nhân lo lắng.
Ông Ninh Văn Tri, Phó Giám đốc Xí nghiệp cảng Kỳ Hà, cho biết lượng hàng qua cảng năm 2005 là 350.000 tấn, năm 2007 đạt 550.000 tấn, năm 2009 là 750.000 tấn nhưng từ năm 2010 giảm dần, đến năm 2013 chỉ còn 350.000 tấn và dự báo tiếp tục giảm trong nhiều năm nữa. Hiện trung bình mỗi tháng cảng chỉ tiếp nhận 20 lượt tàu, chủ yếu là tàu nhỏ 3.000 - 5.000 tấn.
Theo ông Tri, lượng hàng qua cảng hiện chỉ đủ chi phí hoạt động và trả lương cho cán bộ, nhân viên chứ không có lãi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tâm lý của người lao động. Trước tình hình đó, doanh nghiệp buộc phải điều chuyển cán bộ, nhân viên sang các bộ phận, xí nghiệp khác để cố gắng không cắt giảm biên chế. Để cảng có thể hoạt động tốt hơn, không còn cách nào khác là ngoài việc nâng cấp các cầu cảng thì phải tiếp tục nạo vét luồng lạch để đón được tàu 20.000 tấn. Tuy nhiên, chi phí cho những việc này là rất lớn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-6
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thuận An thuộc cảng tổng hợp địa phương loại 2 và bến vệ tinh của cảng Chân Mây, tiếp nhận được tàu 3.000 - 5.000 tấn. Năm 2011, tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt dự án đầu tư hơn 550 tỉ đồng để khắc phục xói lở và chỉnh trị luồng cảng Thuận An nhưng đến nay vẫn chưa có vốn.
Bình luận (0)