Ông Stéphane Charbonnier được cho là 1 trong số 12 nạn nhân thiệt mạng trong cuộc tấn công thảm sát vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ngày 7-1.
Có thể nói vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo nằm ở thủ đô Paris gây chấn động không chỉ ở nước Pháp mà toàn thế giới. Chấn động bởi mức độ tàn bạo, phi nhân tính cũng như tính chất của vụ thảm sát khủng bố. Thảm kịch khiến cả nước Pháp và thế giới phải rúng động diễn ra sau khi tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo đã nhiều lần bị đe dọa và từng bị đánh bom vào tháng 11-2011.
Những rắc rối và mối đe dọa đến với Charlie Hebdo từ giữa năm 2006 khi tạp chí biếm họa có số phát hành hàng trăm ngàn bản mỗi kỳ này cho đăng tải những bức tranh biếm họa liên quan tới đạo Hồi. Cho rằng tờ tạp chí này xúc phạm đạo Hồi, những phần tử Hồi giáo quá khích, cực đoan đã liên tục đe dọa buộc Charlie Hebdo phải trả giá. Nước Pháp phải cắt cử lực lượng cảnh sát đến bảo vệ tòa soạn và tổng biên tập tạp chí Charlie Hebdo. Hơn thế, chính phủ Pháp còn phải tăng cường an ninh trên khắp đất nước nhằm đề phòng các hành động quá khích, cực đoan và đặc biệt là tấn công khủng bố.
Song, bất chấp mọi đe dọa của những kẻ quá khích và cực đoan, Charlie Hebdo vẫn quyết không lùi bước, sẵn sàng đương đầu với chủ nghĩa cực đoan trong sự ủng hộ của người dân cũng như nhà nước Pháp. Charlie Hebdo và nước Pháp đã không lùi bước trước sự đe dọa của chủ nghĩa cực đoan mà như lời của biên tập viên Stéphane Charbonnier: “Tôi thà chết còn hơn sống như lũ chuột, chết đứng còn hơn sống quỳ”.
Ông Stéphane Charbonnier đã ngã xuống trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến cả nước Pháp và thế giới phải bàng hoàng. Thế nhưng, không vì thế mà các biên tập viên, nhân viên của tạp chí này cũng như nước Pháp phải run sợ trước chủ nghĩa cực đoan. Có mặt tại hiện trường ngay sau vụ khủng bố diễn ra, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh: “Đây là hành động cực kỳ tàn bạo. Không một hành động tàn bạo nào có thể dập tắt được tự do báo chí”. Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ vụ khủng bố không chỉ tấn công công dân Pháp mà còn nhằm vào sự tự do báo chí và ngôn luận. Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định nước Anh đứng bên cạnh nhân dân Pháp chống lại khủng bố và bảo vệ tự do báo chí.
Ngay trong đêm diễn ra vụ khủng bố đẫm máu, hàng trăm ngàn người Pháp đã xuống đường với các biểu ngữ: “Chúng tôi là tòa soạn Charlie Hebdo”, “Chúng tôi không run sợ”… để biểu thị sức mạnh đoàn kết và ủng hộ con đường mà tạp chí biếm họa theo đuổi.
“Chúng ta là Charlie Hebdo” không chỉ thấy ở nước Pháp mà ngay lập tức cũng xuất hiện ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới trong các cuộc xuống đường biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ với tờ tạp chí dũng cảm.
Bình luận (0)