Chiều 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về việc còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 (lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn).
Theo Ủy ban Thường vụ QH (TVQH), quy định của Nghị quyết 35 cũng như trong dự thảo nghị quyết sửa đổi lần này đều theo hướng để người có tín nhiệm thấp có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không còn được tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó mà không phải qua bước bỏ phiếu tín nhiệm.
Ủy banTVQH chỉnh lý: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu (ĐB) QH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm”.
Theo báo cáo của Ủy ban TVQH, nếu lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ hoặc theo định kỳ hằng năm thì thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, không đủ để phản ánh đúng mức độ biến chuyển trong công tác của người được lấy phiếu. Do vậy, đề nghị QH cho giữ quy định QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ.
Các ĐB đều bày tỏ không đồng tình với quan điểm nêu trên, đề nghị lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) lý giải lấy phiếu lần 1 là “giám sát”, lấy phiếu lần 2 là “tái giám sát”.
Về mức độ thể hiện trên phiếu tín nhiệm, Ủy ban TVQH cho rằng quy định 3 mức độ tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) nhằm phân biệt rõ hơn giữa quy trình lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, tạo thuận lợi hơn trong việc xác định hệ quả của hoạt động này.
Hầu hết ĐBQH đều bày tỏ quan điểm chỉ nên lấy 2 mức là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) băn khoăn: “Có phải QH quá lo cho sự an toàn của người được lấy phiếu?”. ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bày tỏ: “Quy định 3 mức tín nhiệm đã dẫn đến việc chưa cần tiến hành lấy phiếu thì chúng ta đã mặc định trước kết quả: Tất cả chức danh đều được tín nhiệm. Việc không quy định mức “không tín nhiệm” vô hình trung đã hạn chế quyền của ĐBQH trong trường hợp ĐB không tín nhiệm một chức danh nào đó, qua đó hạn chế luôn cả quyền của cử tri”.
Bình luận (0)