xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Chiếc áo cơ chế” đã chật với TP HCM

TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Cơ chế quản lý của một thành phố trực thuộc trung ương không còn phù hợp với TP HCM nữa, TP cần được tự chủ hơn để phát triển vượt bậc và đóng góp nhiều thêm cho đất nước

Tại dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X, đáng chú ý là toàn bộ đề xuất 7 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020 đều ít nhiều liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị, trong đó có 4 chương trình liên quan trực tiếp (giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, chỉnh trang - phát triển đô thị) và 3 chương trình liên quan gián tiếp (nguồn nhân lực, cải cách hành chính, tăng trưởng kinh tế). Bài viết này góp ý cho một số nội dung dưới góc nhìn quy hoạch và quản lý đô thị.

Hướng trở thành đô thị quốc tế

Về tăng trưởng kinh tế, chủ trương đổi mới từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường đã làm nên sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong 3 thập niên qua nhưng các đô thị nước ta vẫn còn đang tiếp tục chạy đua để được nâng cấp thành “TP trực thuộc trung ương”. Đây là một nghịch lý, ví như con cái càng trưởng thành lại càng mong bị quản lý chặt hơn và được hưởng lợi nhiều hơn từ cha mẹ, trong khi đúng ra phải làm ngược lại.

Theo tác giả Ngô Viết Nam Sơn (ảnh), giải quyết các vấn đề của đô thị phải bằng phương pháp khoa học và có sự phối hợp đa ngành… (Ảnh do tác giả cung cấp)
Theo tác giả Ngô Viết Nam Sơn (ảnh), giải quyết các vấn đề của đô thị phải bằng phương pháp khoa học và có sự phối hợp đa ngành… (Ảnh do tác giả cung cấp)

Đã đến lúc TP HCM không thể tiếp tục hài lòng với thành quả là một TP có vai trò kinh tế quan trọng nhất trong nước mà phải xác định mục tiêu phát triển TP thành đô thị đáng sống và đô thị quốc tế, hướng đến việc tăng trưởng kinh tế nhanh và cao nhiều hơn nữa để sánh vai với các đô thị quốc tế trong vùng.

Do đó, cần đề xuất trung ương tháo gỡ “chiếc áo cơ chế” đã quá chật so với TP HCM để chuyển hoàn toàn sang cơ chế kinh tế thị trường, tạo tiền đề cho TP có thể tự quản lý và phát triển vượt bậc một cách độc lập hơn, năng động hơn, đóng vai trò chủ đạo hơn về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế (trong khi Hà Nội vẫn đóng vai trò chủ đạo của cả nước về mặt chính trị và văn hóa, lịch sử truyền thống). Đó là giải pháp để chuẩn bị cho TP HCM không chỉ cạnh tranh trong Đông Nam Á mà cả với thế giới trong tương lai, được như New York so với Washington D.C., Sydney so với Canberra, Hồng Kông và Thẩm Quyến so với Bắc Kinh.

Với sự quản lý độc lập và phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường   theo định hướng XHCN, lãnh đạo TP có thể chủ động tháo gỡ mọi vấn đề. Nhờ đó, có thể giải quyết các vấn đề quy hoạch với hiệu quả kinh tế đô thị cao hơn, xử lý nhanh hơn tình trạng quy hoạch treo (như quy hoạch khu Thanh Đa) và các dự án lớn khó thu hút được đầu tư (như khu đô thị mới Thủ Thiêm và mạng lưới metro)… Một khi TP có thể đột phá trong phát triển kinh tế thì đóng góp cho ngân sách trung ương trong tương lai có thể sẽ cao hơn gấp rất nhiều lần hiện nay.

Thay đổi tư duy về quản lý đô thị

Về nguồn nhân lực, cần đặc biệt nâng cao kỹ năng làm việc nhóm đa ngành từ cấp cử nhân. Quản lý đô thị ngày nay là công việc phức tạp, cần sự cộng tác và phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành và với chuyên gia quốc tế. Có thể nói, cơ chế quản lý hiện nay vẫn còn mang nặng tính đơn ngành. Ví dụ, khi Sở Giao thông Vận tải lo mở rộng đường thì không phối hợp với Sở Xây dựng cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện quy hoạch xây dựng đồng thời các công trình mới 2 bên đường, cho nên ở đa số con đường mới mở - như Võ Văn Kiệt và Phạm Văn Đồng - công trình 2 bên khá lộn xộn, không xứng tầm, làm giảm giá trị kinh tế và cảnh quan.

Về việc giải quyết các vấn đề quy hoạch, đổi mới theo tư duy khoa học phải đóng vai trò chủ đạo, thay thế cho tư duy quan liêu hành chính và các giải pháp cảm tính. Chẳng hạn, trong việc giải quyết ách tắc giao thông và ngập lụt, cần có tư duy khoa học trong việc nghiên cứu hiện trạng và đưa ra những giải pháp bền vững. Việc giải quyết nạn kẹt xe cũng như ngập nước cho đến nay vẫn chưa hiệu quả vì các giải pháp thường mang tính cục bộ hoặc thử nghiệm thiếu tư duy khoa học, thiếu sự phối hợp đa ngành hiệu quả.

Ách tắc giao thông và ngập lụt hoàn toàn là các vấn đề khoa học, có thể đo đếm và tính toán, do đó chắc chắn sẽ giải quyết được theo kinh nghiệm quốc tế nếu các giải pháp đưa ra được xây dựng dựa trên số liệu và nghiên cứu khoa học.

Khi các cơ quan nhà nước có thể phối hợp đa ngành để cùng giải quyết những vấn đề đô thị dựa trên phương pháp nghiên cứu khoa học thì TP HCM sẽ phát triển nhanh và bền vững, giúp tạo nền móng vững chắc cho việc hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho nhiệm kỳ tới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo