Tiếp tục các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132), ngày 29-3, dự thảo nghị quyết “Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới” được các đại biểu thảo luận tại Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ.
Tội phạm mạng tác động đến mọi quốc gia
Các đại biểu tại Diễn đàn Nghị sĩ trẻ cho rằng chiến tranh mạng và tội phạm mạng tác động đến mọi chính phủ, tổ chức và người dân. Trong đó, giới trẻ là những người dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất. Giới trẻ vừa “nhạy cảm” với những đổi mới về công nghệ vừa chưa đủ năng lực để nhận thức đúng về những mặt trái của các vấn đề mạng cũng như chưa thể tự bảo vệ mình trước các loại hình tội phạm mạng, chiến tranh mạng ngày càng diễn ra tinh vi, thường xuyên hơn.
Các đại biểu đề xuất một số giải pháp thiết thực như lập bộ quy tắc ứng xử trên mạng, ban hành luật về tội phạm mạng, tăng cường tập huấn phòng ngự an ninh mạng, tăng cường năng lực kiểm soát cho các phụ huynh, nâng cao giáo dục trách nhiệm cho giới trẻ và quan tâm, chăm sóc họ nhiều hơn…
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam - khuyến nghị IPU nên đưa ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả quốc gia không tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào nhau dưới bất kỳ hình thức nào, đề nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhanh chóng xây dựng hiệp ước quốc tế về an toàn và an ninh mạng, yêu cầu các quốc gia thành viên IPU tăng cường hợp tác an ninh mạng và xây dựng năng lực quốc gia về an ninh thông tin.
Ngoài ra, các nghị sĩ cũng thảo luận dự thảo Nghị quyết Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước, thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước. Hai dự thảo nghị quyết này sẽ được thông qua Đại hội đồng IPU-132.
LHQ cần đẩy mạnh cải tổ
Trong ngày 29-3 đã diễn ra 17 phiên họp khác nhau trong khuôn khổ IPU-132. Tại phiên toàn thể thứ nhất Hội đồng điều hành IPU, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm chủ tịch.
Ngoài ra, Hội nghị Hiệp hội Các tổng thư ký nghị viện (ASGP) cũng đã khai mạc; Ủy ban Thường trực về các vấn đề LHQ họp thông qua báo cáo tổng kết phiên họp của ủy ban được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131; thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ, phiên họp của Ủy ban Thúc đẩy Luật Nhân quyền quốc tế, Ủy ban Về nhân quyền của nghị sĩ…
Trong đó, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Ủy ban Thường trực về các vấn đề LHQ đã họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của ủy ban được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 (tháng 10-2014); thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ.
Tại phiên thảo luận này, ông Hà Minh Huệ - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, thành viên tiểu ban nội dung - đã có bài phát biểu, kiến nghị LHQ cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ. Tiến trình này cần được tiến hành một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên.
Sáng cùng ngày, ASGP đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ việc đăng cai tổ chức hội nghị này đánh dấu bước tiến quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiến pháp năm 2013 đã được thông qua hứa hẹn sẽ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới của Việt Nam, trong đó có Quốc hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề “Quan hệ công chúng và truyền thông”.
Tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng gìn giữ hòa bình
Về việc tranh chấp trên biển Đông gần đây, bên lề IPU-132, bà Gabriela Moser, thành viên Đảng Xanh của Nghị viện Áo, nhìn nhận: “Tôi nghĩ sẽ có thảo luận về vấn đề này tại IPU-132. Tuy nhiên, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc phải hành xử đúng luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này không chỉ tại IPU mà còn trên nhiều diễn đàn khác bởi đây là vấn đề của châu Á và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực là rất quan trọng. Tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng để gìn giữ hòa bình”.
Bình luận (0)