Mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2014 vào ngày 29-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việc Trung Quốc ngang ngược, dùng sức mạnh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đã tác động đến toàn bộ kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của đất nước ta.
Chính nghĩa luôn được ủng hộ
Thủ tướng khẳng định Việt Nam không bất ngờ với âm mưu của Trung Quốc bởi đây là hành động tiếp diễn của tham vọng “đường lưỡi bò” tại biển Đông. Đáp lại, cả dân tộc Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ hành vi xâm phạm nghiêm trọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm quyết liệt phản đối Trung Quốc bằng biện pháp đấu tranh hòa bình.
“Trên thực địa, dù chúng ta chỉ có hơn 30 tàu của cảnh sát biển và kiểm ngư nhưng đã kiên cường đối phó trước sự chủ động va chạm của tàu Trung Quốc. Tất cả tàu của ta đều bị hư hỏng phải vào xưởng sửa chữa từ 2-3 lần nhưng các chiến sĩ quyết bám trụ với tinh thần: Tôi có thể yếu hơn anh nhưng tôi kiên quyết có mặt, bám trụ thực địa để đẩy, đuổi” - Thủ tướng quả quyết.
Cũng theo Thủ tướng, nước ta đã liên tục đấu tranh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan. Đến nay, giữa 2 bên đã thực hiện trên 30 cuộc gặp cấp lãnh đạo. Việt Nam cũng thông báo trung thực đến thế giới về hành vi sai trái của Trung Quốc và thiện chí của Việt Nam. “Chưa có lãnh đạo nào trên thế giới tuyên bố việc làm (hạ đặt giàn khoan - PV) của Trung Quốc là nằm trong vùng biển của Trung Quốc bởi chính nghĩa của chúng ta luôn được ủng hộ” - Thủ tướng chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết tiếp tục duy trì chính sách công khai dư luận nhưng tuyệt đối không dung dưỡng hành vi kích động, manh động, bài Hoa, kích động hận thù dân tộc; vẫn tiếp tục coi trọng quan hệ với Trung Quốc trên các lĩnh vực.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam là đấu tranh hòa bình, chính nghĩa, đòi hỏi chủ quyền phù hợp luật pháp quốc tế, chủ quyền 200 hải lý. “Việt Nam không thể vì “tình hữu nghị” mà im lặng khi Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam... Lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình” - Thủ tướng nói.
Giao thương với Trung Quốc vẫn bình thường
Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tháng 5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết đất nước duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát và giữ được nhịp tăng trưởng.
Trước lo ngại suy giảm kinh tế do vụ giàn khoan Hải Dương 981, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nêu chỉ số công nghiệp hiện nay tăng 5,9% - mức tăng khá cao so cùng kỳ 2013 (4,9%). Tại các địa phương có giao thương với Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường, kể cả hàng nông sản xuất khẩu. Về cán cân thương mại đang lệch về Trung Quốc khi Việt Nam nhập siêu khoảng 40 tỉ USD, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thêm các đối tác khác để phòng trường hợp bị gián đoạn.
Còn trên lĩnh vực đầu tư, hiện Trung Quốc đang tham gia một số dự án đầu tư lớn về thủy điện như Duyên Hải, Vĩnh Tân; nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Gang thép Thái Nguyên và Lào Cai... và 2 dự án nhà máy Alumin tại Tây Nguyên (Tân Rai, Nhân Cơ) do Trung Quốc làm tổng thầu. Các dự án này vẫn hoạt động bình thường. Nhà máy thép Lào Cai do Trung Quốc góp 49%, Việt Nam 51% vốn vừa khánh thành và đã cho ra mẻ sắt đầu tiên. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng bảo đảm nhân lực trong nước đủ làm chủ công nghệ các nhà máy, dự án mà Trung Quốc tham gia.
Đấu tranh chủ quyền song vẫn phải giữ chuyện làm ăn
Sau khi nghe các ngành báo cáo, Thủ tướng nhìn nhận quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam trước mắt có lúc thăng, lúc trầm nhưng với vị trí là hàng xóm của nhau, về lâu dài thì quan hệ kinh tế vẫn có lợi ích đan xen, 2 bên cùng có lợi.
Thủ tướng yêu cầu một mặt vẫn tăng cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ nhưng cố gắng giữ quan hệ bình thường. “Trong xu thế hội nhập sâu rộng, toàn cầu hóa, không có bất cứ bế tắc gì vì đơn giản Trung Quốc không thể đóng cửa hoàn toàn. Nếu đóng cửa, Trung Quốc cũng chịu thiệt hại và sức ép lớn từ các thành viên của WTO, của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc” - Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ - ngành rà soát, đánh giá đầy đủ lại mọi hoạt động giao thương, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc để có hướng chủ động, nỗ lực cân bằng xuất nhập khẩu với Trung Quốc; đồng thời, chuẩn bị các phương án để kịp thời ứng phó khi có diễn biến bất lợi. Sự chủ động phải gắn vào tái cơ cấu nền kinh tế. Trong khó khăn càng phải tính đến lâu dài. “Cần mở rộng và đa dạng hóa thị trường; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc vào một thị trường nhất định. Qua đó giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ - ngành tập trung phấn đấu thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đạt tăng trưởng GDP 5,8%. “Các hoạt động vẫn phải diễn ra bình thường. Đấu tranh chủ quyền cứ đấu tranh song làm ăn vẫn phải giữ” - Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Thông qua chính sách hỗ trợ ngư dân
Tại cuộc họp, Thủ tướng cùng nhiều thành viên khác của Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thông qua nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản.
Theo đó, ngư dân được vay từ 70%-90% giá trị con tàu với lãi suất chỉ 3%/năm, thời gian ân hạn 1 năm. Thời hạn vay từ 7-10 năm. Hạn mức cho vay tối thiểu 200 triệu đồng/năm đối với tàu khai thác hải sản; 500 triệu đồng/năm đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản; tối thiểu 60% giá trị hợp đồng cung cấp dịch vụ hậu cần, tiêu thụ hải sản. Về chính sách bảo hiểm, mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng cho khai thác và dịch vụ khai thác hải sản ở vùng Trường Sa, Hoàng Sa, DK1 như hỗ trợ hằng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu; 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người...
Bình luận (0)