Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại Việt Nam đang trở thành bãi thải công nghệ của thế giới - Ảnh: Nguyễn Nam
Sáng ngày 13-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ.
Trình dự thảo luật, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh nhận định sau gần một thập kỷ, luật hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường KH-CN, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ là cần thiết và cấp bách.
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật chuyển giao công nghệ do Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN Phan Xuân Dũng thể hiện cho thấy sự nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
Cơ quan thẩm tra nhận xét: "Chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta".
Theo ông Phan Xuân Dũng, để khắc phục tình trạng “cất ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu và nâng cao ứng dụng kết quả nghiên cứu KH-CN, dự thảo luật cần bổ sung quy định khuyến khích, hỗ trợ, bắt buộc nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu KH-CN, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước vào thực tiễn sản xuất, theo chuỗi giá trị, chú trọng chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa, phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam...
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng luật phải có chế tài ngăn chặn được tình trạng “lách luật” đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Cùng mối lo này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: "Có phải Việt Nam đang trở thành bãi thải công nghệ của thế giới và sửa luật có thể khắc phục điều này?".
Formosa là bài học kinh nghiệm về quản lý nhập khẩu công nghệ - Ảnh: Đức Ngọc
Dẫn việc Formosa làm huỷ hoại môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Chủ tịch QH nhìn nhận vai trò của công nghệ và việc kiểm soát nhập khẩu công nghệ vào các dây chuyền sản xuất trong nước.
Cũng nhằm vào câu chuyện Formosa, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chỉ ra những hậu quả của công nghệ lạc hậu không những ảnh hưởng đến môi trường, mà thực tế đã cho thấy còn có tác động đến cả tình hình an ninh trật tự, đời sống, an sinh và lao động, sản xuất của người dân."Câu hỏi đặt ra là có phải ta chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ, do Luật Chuyển giao công nghệ 2006 còn hạn chế, hay do quản lý nhà nước chưa tốt? Tôi cho là cả hai và phải khắc phục cả hai vấn đề này"- ông Uông Chu Lưu thẳn thắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thì đặt câu hỏi về những vấn đề còn vướng mắc trong 10 năm qua trong chuyển giao công nghệ nội bộ ngay trong nước giữa các viện, trường và doanh nghiệp, từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn, từ các vườn ươm khởi nghiệp công nghệ đến các sản phẩm cụ thể...
Giải trình, Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh cho rằng cái khó đầu tiên và lớn nhất chính là thị trường: "Doanh nghiệp dường như còn chưa có nhu cầu tự thân đối với công nghệ. Công nghệ nghiên cứu ra thì nhiều, nhưng muốn thành hàng hóa thì phải có đầu tư. Nhưng doanh nghiệp ta còn chưa có tư duy cạnh tranh bình đẳng với vũ khí là công nghệ".
Theo ông Chu Ngọc Anh, đây chính là nơi nhà nước cần vào cuộc để tìm người mua, đặc biệt là những doanh nghiệp thực sự quan tâm đến công nghệ nhưng nguồn lực tài chính còn hạn chế.
Ngoài ra, cần phát triển cả những tổ chức trung gian, vì nhà khoa học chỉ dừng lại trước cánh cửa phòng thí nghiệm. Đi đến đó mang công nghệ ra ngoài chào bán phải là người khác.
Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH tán thành với việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ 2006 theo quy trình tại 2 kỳ họp. Phó Chủ tịch QH giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của UBTVQH hoàn thiện dự án Luật trình ra QH xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ hai và thông qua tại kỳ họp thứ ba của QH khóa XIV.
Bình luận (0)