ÔNg Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (đầu tiên bên phải), tại cuộc họp báo
Chiều 2-8, tại buổi họp báo công bố kết quả họp Hội đồng tiền lương Quốc gia về tiền lương tối thiểu vùng năm 2017, Bộ Lao động - Thương bình và xã hội đã chính thức công bố mức đề nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đại diện cho người lao động chưa hài lòng với mức tăng lương tối thiếu vùng năm tới chỉ 7,3%.
Theo ông Chính, trước đó Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 11,1%. "Đề nghị này dựa trên thực tế cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ mới đây cho thấy chỉ số tăng trưởng GDP đến cuối năm 2016 là 6,3%, chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 5% thể hiện sự khó khăn của doanh nghiệp nên chúng tôi hạ mức đề xuất tăng lương tối thiểu xuống 10%. Vì thế, trong quá trình thương lượng, Hội đồng tiền lương Quốc gia chốt mức tăng 7,3% là sức ép lớn với người lao động còn nhiều khó khăn" - ông Chính nêu rõ.
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, sau nhiều phiên thảo luận, Hội đồng đã thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016. Theo đó, vùng 1: tăng 250.000 đồng (tăng 7,1 % so với 2016) tương đương với mức lương 3.750.0000 đồng; vùng 2 tăng 220.000 đồng (7,1 %) tương đương 3.320.000 đồng; vùng 3 tăng 200.000 đồng, (7,4 %) tương đương 2.900.000 đồng, vùng 4 tăng 180.000 đồng (7,5 %) tương đương 2.580.000 đồng. Tính trung bình, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 có mức tăng dao động từ 180.000 - 250.000 đồng so với năm 2016.
Ông Huân cũng cho biết phương án trên được bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2016 (dự kiến khoảng dưới 5%) và cải thiện một phần tiền lương cho người lao động.
Bình luận (0)