Theo báo cáo giám sát tài chính ngày 17-3, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), trong năm 2015 đã có lãi 155 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi cân đối, Vinafood 2 vẫn còn lỗ 948 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng công ty đang chịu áp lực tái cấu trúc hoạt động nhằm thực hiện lộ trình cổ phần hóa.
Dừng nuôi và chế biến thủy sản
Báo cáo giám sát 2015 của Vinafood 2 gửi hội đồng thành viên (HĐTV) tổng công ty ngày 17-3 do Tổng Giám đốc Huỳnh Thế Năng ký cho biết thực hiện chủ trương tái cơ cấu theo Văn bản số 123/TCT-HĐTV ngày 22-5-2014, các đơn vị thuộc lĩnh vực thủy sản đã từng bước sắp xếp lại tổ chức, sản xuất kinh doanh (dừng hoạt động nhà máy chế biến cá tra, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và phụ phẩm, dừng thả nuôi cá tra và ương dưỡng cá giống). Các hoạt động còn lại chủ yếu thực hiện những công việc còn dở dang như: tiếp tục nuôi số cá đang nuôi, sản xuất thức ăn cung cấp cho vùng nuôi nội bộ, xử lý hàng tồn kho; nhận sản xuất, gia công cho khách hàng.
Theo đó, tại Công ty Nông sản thực phẩm (NSTP) Trà Vinh, Vinafood 2 đã cho dừng hoạt động sản xuất và xử lý xong hàng hóa tồn kho, tiếp tục cắt giảm từ 93 lao động (thời điểm 31-12-2014) còn 39 lao động. Đồng thời, bán tài sản (nhà làm việc, nhà nghỉ, nhà kho của xí nghiệp nuôi trồng thủy sản) và bán 3 vùng nuôi (cồn Cỏ, cồn Thủy Tiên và cồn Long Trị).
Tại Công ty NSTP Tiền Giang, Vinafood 2 cho biết đã hoàn tất thẩm định giá trị tài sản Nhà máy Chế biến thủy sản Cổ Lịch (Nhà máy Cổ Lịch - xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và vùng nuôi thủy sản ở cồn Đông Giang (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).
Xây nhà máy để người khác xài
Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, lãnh đạo Vinafood 2 đã lập nhóm làm việc gồm các phòng nghiệp vụ để thực hiện chủ trương mua - bán tài sản với Công ty CP Vĩnh Hoàn. Tuy nhiên, khi quá trình thương thảo đang diễn ra thì tháng 12-2014, lãnh đạo Vinafood 2 đã phê duyệt “Đồng ý thực hiện” tờ trình của Công ty NSTP Tiền Giang về việc cho phép Công ty CP Vĩnh Hoàn đưa nguyên liệu vào sản xuất tại nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản, thực phẩm và thuê lại người lao động.
Tuy nhiên, trước khi được tổng công ty phê duyệt thì Công ty NSTP Tiền Giang và Công ty CP Vĩnh Hoàn đã tiến hành kiểm kê tài sản, máy móc, thiết bị bàn giao trong tháng 10 và 11 cùng năm. Từ đó đến nay, hợp đồng thuê nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản, thực phẩm vẫn chưa được ký kết nên Công ty NSTP Tiền Giang không có căn cứ pháp lý để thu tiền cho thuê đối với Công ty CP Vĩnh Hoàn.
Cùng với việc cho thuê Nhà máy Cổ Lịch, ngày 9-3-2015, Vinafood 2 tiếp tục có công văn giao Công ty NSTP Tiền Giang thỏa thuận ký hợp đồng cho thuê vùng nuôi cá ở cồn Đông Giang với Công ty CP Vĩnh Hoàn. Tuy chưa ký hợp đồng cho thuê nhưng ngày 16-3-2015, Công ty NSTP Tiền Giang đã bàn giao tài sản cố định, công cụ trên vùng nuôi cá cồn Đông Giang cho Công ty CP Vĩnh Hoàn.
Sau đó, Công ty NSTP Tiền Giang nhiều lần có văn bản gửi Công ty CP Vĩnh Hoàn và Vinafood 2 liên quan đến việc thỏa thuận giá cả để ký hợp đồng cho thuê vùng nuôi cá. Tháng 10 và tháng 12-2015, công ty này liên tục có văn bản gửi tổng giám đốc Vinafood 2 đề xuất giá cho thuê là 8.000 đồng/m2 mặt nước; thời gian cho thuê dự kiến 9 tháng, tính từ ngày 16-3-2015. Nhưng mãi đến tháng 3-2016, hợp đồng cho thuê vùng nuôi cá cồn Đông Giang vẫn chưa được ký kết nên công ty không có căn cứ thu tiền cho thuê.
Khó hiểu hơn, trong khi Vinafood 2 cho Công ty CP Vĩnh Hoàn thuê tài sản không có hợp đồng nhưng ngày 3-3-2015 lại giao cho Công ty Lương thực Đồng Tháp ký hợp đồng thuê Nhà máy Chế biến lương thực Vĩnh Hoàn 2 của công ty này tại xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với giá 50 triệu đồng/tháng. Hợp đồng này được ký ngày 6-3-2015 và kéo dài đến 31-12-2015.
Báo cáo của Ban Kiểm soát nội bộ gửi HĐTV Vinafood 2 ngày 17-3-2016 nhận xét: “Việc cho thuê Nhà máy Cổ Lịch và vùng nuôi cá cồn Đông Giang là có chủ trương nhưng quy trình thực hiện cho thuê là không đầy đủ, chưa ký hợp đồng cho thuê, thời gian thuê kéo dài.
Việc cho thuê nhà máy chế biến thủy sản, vùng nuôi cá và thuê Nhà máy Chế biến lương thực Vĩnh Hoàn 2 là cùng một đối tượng, mục đích là trao đổi tài sản, qua kiểm tra chưa thấy cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương”. Ban kiểm soát kiến nghị trong khi chờ ý kiến cấp trên phê duyệt, ban điều hành Vinafood 2 chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ rà soát lại các thỏa thuận, thủ tục... để thực hiện đúng quy định và có hiệu quả.
Bán tài sản khi chưa có quy định
Trước đó, ngày 26-11-2015, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bán tài sản để tái cơ cấu doanh nghiệp của Vinafood 2, trong số đó có Nhà máy Cổ Lịch. Trước thời điểm này, vào tháng 10-2014, Vinafood 2 thuê công ty tư vấn định giá tài sản để làm cơ sở bán đấu giá và xác định giá nhà máy này là 204,6 tỉ đồng. Vinafood 2 đã đưa ra bán đấu giá hai lần nhưng không có người mua.
Công ty CP Vĩnh Hoàn ở Đồng Tháp đã đồng ý mua lại Nhà máy Cổ Lịch với phương thức hoán đổi tài sản của công ty này (nhà máy chế biến lương thực Vĩnh Hoàn 2) theo giá thị trường. Vinafood 2 đánh giá đây là phương án tối ưu để tổng công ty thoái vốn khỏi lĩnh vực thủy sản, đề nghị được hoán đổi và giữ lại tiền bán nhà máy này để mua nhà máy chế biến gạo của Công ty CP Vĩnh Hoàn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng việc hoán đổi thực chất là mua bán tài sản theo hình thức chỉ định nên phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho Vinafood 2 bán tài sản theo hình thức chỉ định với giá thị trường. Đồng thời cho Vinafood 2 được giữ lại số tiền bán tài sản để sử dụng theo quy định của pháp luật. Còn việc mua lại nhà máy chế biến gạo theo hình thức chỉ định phải được Bộ NN-PTNT phê duyệt trên cơ sở thẩm định giá còn hiệu lực.
Tại văn bản ngày 28-12-2015 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc đẩy mạnh lộ trình thoái vốn của Vinafood 2 tại các ngành, lĩnh vực trên là phù hợp với chủ trương chung về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định xử lý tài sản trong trường hợp đấu giá công khai 2 lần nhưng không thành công. Còn về việc mua nhà máy gạo của Công ty CP Vĩnh Hoàn, Vinfood 2 phải thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu và các quy định khác có liên quan nên không được áp dụng phương thức chỉ định thầu. Do đó, đề xuất của Vinafood 2 về mua bán chỉ định tài sản giữa tổng công ty và Công ty CP Vĩnh Hoàn là chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ đã hai lần chỉ đạo Bộ NN-PTNT giám sát tài chính Vinafood 2 nhằm kịp thời chấn chỉnh việc điều hành cũng như xử lý cá nhân, tổ chức làm thất thoát vốn nhà nước
Bảo lãnh nợ cho công ty... sắp phá sản
Trong khi đang gặp khó khăn trong việc thoái vốn ở lĩnh vực thủy sản thì mảng hoạt động chính của Vinafood 2 là kinh doanh lương thực, thực phẩm lại gặp không ít khó khăn khi đơn vị thành viên là Công ty CP Lương thực Hậu Giang (Công ty Hậu Giang) lại vừa có đơn xin phá sản. Điều đáng nói, Vinafood 2 đang gánh cho đơn vị này số nợ 28 tỉ đồng cùng với nhiều khoản phải thu khác hơn trăm tỉ đồng.
Trước đó, vào tháng 2-2013, ông Phạm Hoàng Hà, Chủ tịch HĐTV Vinafood 2, đã ký biên bản xin được bảo lãnh cho Công ty Hậu Giang vay vốn ngân hàng để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh với hạn mức 250 tỉ đồng đến ngày 31-12-2013, phí bảo lãnh 1,8%/năm/giá trị bảo lãnh. Vinafood 2 đã cam kết thanh toán thay cho Công ty Hậu Giang toàn bộ khoản nợ vay gồm nợ gốc, nợ lãi và các khoản phí đối với ngân hàng.
Do Công ty Lương thực Hậu Giang kinh doanh thua lỗ, mất khả năng chi trả nên ngân hàng đã có văn bản yêu cầu Vinafood 2 thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ vay và lãi phát sinh như đã cam kết. Sau đó, lãnh đạo Vinafood 2 gửi công văn yêu cầu Công ty Hậu Giang liệt kê danh sách tài sản và đồng ý việc thế chấp tài sản cho Vinafood 2 tương ứng với số nợ mà Vinafood 2 đã bảo lãnh. Đồng thời yêu cầu Công ty Hậu Giang có văn bản cam kết việc nhận nợ và cam kết trả nợ nhưng kết quả vẫn “trơ trơ”. Cuối cùng, Vinafood 2 phải trả 28 tỉ đồng cho ngân hàng.
Bình luận (0)