Ngày 3-3, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) bước sang ngày làm việc thứ 5. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục hỏi các bị cáo về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Có đến 34 bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch OceanBank bị truy tố về tội danh này.
Biết sai vẫn làm
Theo cáo trạng, do cần huy động tiền nên Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank và Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, đã đề ra chủ trương chi lãi bên ngoài cho các khách hàng gửi tiền trên toàn bộ hệ thống OceanBank. Cụ thể, ngoài mức lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các khách hàng khi gửi tiền tại OceanBank sẽ được nhận thêm một khoản lãi suất khác. Khoản tiền này được chuyển thẳng cho khách hàng.
Bị cáo Hà Văn Thắm trong phiên xử ngày 3-3 Ảnh: TTXVN
Trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 11-2014, tổng số tiền OceanBank đã chi cho khoản lãi này là hơn 1.500 tỉ đồng. Có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức gửi tiền tại OceanBank đã nhận tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Nga, cựu kế toán trưởng OceanBank, đề nghị xem xét lại mức thiệt hại. Theo bị cáo Nga, các bị cáo không tham ô, tham nhũng. Việc làm của các bị cáo trong thời điểm đó là do hoàn cảnh, tất cả vì ngân hàng.
Nói rõ hơn về bối cảnh phải chi lãi suất ngoài, bị cáo Nguyễn Hoài Nam, cựu Giám đốc khối nguồn vốn OceanBank, cho rằng việc vi phạm của các bị cáo trong bối cảnh rất căng thẳng. Hằng ngày, các chi nhánh phải chứng kiến cảnh ô tô của các ngân hàng đứng ở cửa chờ rút tiền của khách hàng rồi mang sang gửi ở ngân hàng khác. Từ tháng 8-2011, số dư huy động vốn ở OceanBank gần 12.000 tỉ đồng nhưng đến quý II/2012 đã sụt giảm còn 5.000 tỉ đồng. Đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, Hà Văn Thắm bắt buộc phải ra quyết định để cứu ngân hàng khỏi bị sụp đổ.
Ngân hàng nào cũng chi vượt lãi suất
Liên quan tới hoạt động chung của ngân hàng vào thời điểm trên, các bị cáo “tố” rằng không chỉ OceanBank mà các ngân hàng khác cũng chi lãi ngoài để huy động vốn và thiếu sự giám sát về việc này.
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc OceanBank chi lãi suất như thế là theo chân các ngân hàng khác chứ không phải là ngân hàng khởi đầu hoặc kết thúc về việc chi lãi suất cho khách hàng. Bị cáo Nam lý giải: “Năm 2011, lạm phát từ 17%-18% trong khi trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 14%. Khách hàng yêu cầu một lãi suất thực dương thì sẽ không bảo đảm và như thế khách hàng không gửi tiền vào ngân hàng với mức lãi suất như trên”.
Được truy vấn tại tòa, Hà Văn Thắm tiếp tục nhận lỗi về mình và bênh vực thuộc cấp. Theo Hà Văn Thắm, việc chi vượt trần lãi suất là vì “bị cáo không có lựa chọn nào khác”. Bị cáo Thắm cho rằng khi sử dụng hệ thống Corebanking, các cấp dưới của mình phê duyệt theo chức năng của hệ thống. Nếu vì việc này mà cáo buộc họ giúp sức phạm tội là oan cho họ. “Trách nhiệm phê duyệt của họ là để báo cáo với cấp trên vì có chi hay không thì họ vẫn phải phê duyệt. Nếu cho rằng việc phê duyệt của họ là giúp sức thì không đúng lắm” - Hà Văn Thắm nói.
“Họ trung thực, thân thiết. Họ không giúp sức mà chỉ giúp giảm chi phí vượt trần. Người nào cũng có năng lực, đạo đức, nếu tách ra khỏi xã hội thì sẽ phí” - Hà Văn Thắm dành những lời tốt đẹp để nói về nhân viên của mình.
Không được cảnh báo vi phạm
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba, cựu Giám đốc khối bán lẻ OceanBank, nêu: “Tôi hiểu trong hoạt động ngân hàng, các nghiệp vụ được thanh tra kiểm soát nội bộ chặt chẽ, có cơ quan kiểm toán độc lập, có thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Nếu có vi phạm nghiêm trọng thì tại sao trong suốt thời gian từ năm 2008-2012, các cơ quan đó không lên tiếng cảnh báo với chúng tôi? Các cuộc họp đều có mặt trưởng ban kiểm soát nhưng họ không hề ngăn chặn”.
Bình luận (0)