Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy trong năm 2016 diễn ra hết sức phức tạp; nhất là việc sản xuất, buôn bán chất gây nghiện hướng thần mới.
Quản lý người nghiện còn sơ hở
Chỉ tính riêng việc vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam đã tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ 2015. Ngoài ma túy dạng đá tiếp tục tăng, còn xuất hiện một số chất hướng thần, với độ nguy hại và độc tính cao như “Cỏ Mỹ”, “Nước vui”, “Tem giấy”, “Búa lưỡi”…
Học viên cai nghiện đập phá tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) tháng 11-2016 Ảnh: XUÂN HOÀNG
Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, cho biết việc buôn bán ma túy trong nước liên quan đến nhiều đường dây ma túy quốc tế nên hết sức khó khăn trong khám phá, ngăn chặn. Năm 2016, cả nước đã phát hiện, điều tra 19.333 vụ, bắt hơn 31.000 đối tượng tội phạm về ma túy; thu giữ hơn 600 kg heroin, hơn 92 kg thuốc phiện, 1,6 kg cỏ Mỹ… Tội phạm ma túy ngày càng tổ chức chặt chẽ, manh động, liều lĩnh và có dấu hiệu móc nối giữa tội phạm ma túy với tội phạm buôn bán vũ khí. Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng “đá” tiếp tục tăng. Riêng Hà Nội, số vụ ma túy tổng hợp bị bắt giữ lên tới gần 56%.
Theo Bộ Công an, việc rà soát, thống kê người nghiện chưa được quan tâm đúng mức ở một số địa phương. Hiện còn 30 tỉnh, thành phố không cập nhật số liệu người nghiện vào hệ thống trung tâm dữ liệu của Tổng cục Cảnh sát. Cùng với đó, việc nắm bắt tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng ở một số địa phương, đơn vị còn sơ hở, thiếu chủ động.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Trọng Đàm cho biết số người nghiện ở các địa phương có dưới 1.000 người nghiện chưa được quan tâm nên số người nghiện tăng lên như ở miền Trung và Tây Nam Bộ. Kinh phí dành cho công tác cai nghiện rất hạn chế. Cụ thể, nguồn ngân sách trung hạn dành cho cả nước trong 5 năm là 600 tỉ đồng nhưng xuống địa phương phân bổ còn 191 tỉ đồng.
Nhiều cơ sở xuống cấp
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, nhiều cơ sở cai nghiện xuống cấp, chật chội, tới 40-50 học viên/phòng chứ không phải 8-9 người. Thậm chí, có nơi không đủ chỗ vệ sinh tắm rửa, tệ hơn cả trại giam.
Trong khi đó, nhân lực để làm công tác cai nghiện không có; thiếu chuyên môn sâu, mang tính quản lý, trông coi, nấu ăn là chính còn tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề rất thiếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Hòa Hiệp, báo cáo tỉnh đã lập hồ sơ 1.258 người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung. Do cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện tập trung thiếu thốn nên năm 2016 đã có 783 học viên trốn trại, sau đó gom được 620 học viên, còn 163 học viên vẫn ở ngoài cộng đồng. Nguyên nhân là do các cơ sở này quá tải nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tập trung đông đối tượng nghiện ma túy để nâng cấp cơ sở cai nghiện.
Trước đề xuất của bà Nguyễn Hoàng Hiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi lại: “Đồng chí Hiệp đã vào trung tâm cai nghiện chưa? Và có kế hoạch nâng cấp trung tâm chưa?”.
Trả lời Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 10 phòng cai nghiện trị giá 3 tỉ đồng và đã quy hoạch xây dựng 1 cơ sở mới có diện tích 30 ha, đáp ứng khoảng 2.000 học viên, có cơ sở vật chất hoàn chỉnh.
Thủ tướng đánh giá vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây là việc học viên phá trung tâm cai nghiện và bỏ trốn ra ngoài xã hội. “Nguyên nhân học viên bỏ trốn khỏi trung tâm thì có nhiều nhưng phải thẳng thắn nói rằng nhiều địa phương không quan tâm đến công tác cai nghiện cho người nghiện. 7-9 người sống trong 1 căn phòng nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn cả nơi tạm giam, lại không quan tâm đến đời sống tinh thần, giải trí, thể thao cho người cai nghiện… Việc quan tâm ở một số nơi còn kém cả nơi tạm giam” - Thủ tướng nêu.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức phòng chống tệ nạn ma túy và tổ chức cai nghiện cho người dân. Địa phương phải bố trí kinh phí nâng cấp cơ sở cai nghiện đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt là phải thu gom người mắc bệnh loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp (còn gọi là ngáo đá), không thể để người này trong gia đình, cộng đồng.
“Trong gia đình có một người nghiện là cả nhà nghèo và địa phương cũng nghèo theo nên lãnh đạo địa phương tuyệt đối không thể xem đây là chuyện nhỏ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và lâu dài, thường xuyên” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương đề cao trách nhiệm, phải quyết liệt đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vận chuyển, buôn bán ma túy và đưa ra xét xử nghiêm minh.
Đột kích 2 quán bar, thu giữ chất nghi ma túy
* 18 người “phê” ma túy trong quán karaoke
Lúc 0 giờ 40 phút ngày 23-12, khoảng 100 cảnh sát hình sự, cơ động, quản lý hành chính… thuộc Công an quận 3, TP HCM đã kiểm tra hành chính quán bar Barocco (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3).
Cảnh sát thu giữ số lượng lớn rượu ngoại không rõ nguồn gốc, nghi là hàng nhập lậu. Ngoài ra, 33 người nghi ngờ sử dụng ma túy và không có giấy tờ tùy thân được mời về trụ sở lấy lời khai.
Hơn 1 giờ sau, cảnh sát tiếp tục đột kích vào quán bar Canalis (đường Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3) và phát hiện khoảng 200 khách đang ăn chơi, nhảy múa. Cảnh sát thu giữ một số chất bột màu trắng nghi ma túy dưới gầm bàn và mời 55 dân chơi có biểu hiện sử dụng ma túy và không giấy tờ tùy thân về trụ sở. Cơ quan chức năng cũng lập biên bản quán bar trên về các lỗi như: hoạt động quá giờ quy định, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc…
* Rạng sáng cùng ngày, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Tĩnh đột kích quán karaoke Elite 2 (đường Phan Đình Giót, phường Nam Hà), bắt quả tang 18 người đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại các phòng hát. Lực lượng công an thu giữ nhiều ma túy cùng các tang vật liên quan. Trong số 18 đối tượng bị bắt giữ có nhiều học sinh, sinh viên.
S.Hưng - Đ.Ngọc - B.Anh
Bình luận (0)