Ngày 2-8, thông tin về việc chôn lấp bùn thải của Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) kết luận đây là hành vi có dấu hiệu tội phạm về môi trường.
Chôn chất thải nguy hại
Bộ TN-MT cho biết đã tiến hành lấy mẫu bùn thải, mẫu đất và mẫu nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải có nguồn góc từ nhà máy Formosa của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh để phân tích. Trong đó có 38 mẫu bùn thải, 30 mẫu đất, 1 mẫu nước giếng khoan và 3 mẫu nước suối. “Kết quả cho thấy trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại” - Bộ TN-MT công bố.
Theo Bộ TN-MT, khoản 2, điều 85 Luật Bảo vệ môi trường quy định: Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại. Còn khoản 1, điều 29 Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu quy định: Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại; trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.
“Do vậy, 390,72 tấn bùn thải chôn lấp trái phép đã được bốc xúc, lưu giữ (bao gồm cả đất đá bị lẫn) là chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại, phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại và phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, được cấp phép xử lý theo quy định của pháp luật” - báo cáo của Bộ TN-MT kết luận.
Cũng dựa trên pháp luật hiện hành, Bộ TN-MT khẳng định Formosa đã có hành vi vi phạm là không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định tại Nghị định 179. Công ty cũng đã chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại, vi phạm quy định (điểm h, khoản 7, điều 21 Nghị định 179) đối với trường hợp chuyển giao từ 5.000 kg trở lên chất thải có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Với Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh, theo nhận định của Bộ TN-MT, việc chôn lấp trái phép bùn thải nguy hại có dấu hiệu tội phạm về môi trường theo quy định Bộ Luật Hình sự. Do vậy, Bộ TN-MT sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm của công ty này cho Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Điều tra toàn diện
Với những vi phạm nêu trên, Bộ TN-MT cho biết sẽ xử phạt vi phạm hành chính Formosa theo quy định của Nghị định 179, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này phải khắc phục ngay hậu quả do việc chuyển giao bùn thải không đúng quy định.
Cụ thể, Công ty Formosa chịu hoàn toàn trách nhiệm phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh tiến hành ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải nguy hại để xử lý ngay 390,72 tấn bùn thải lẫn đất đá nêu trên theo quy định và chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý này. Trong quá trình vận chuyển, xử lý, giao Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm chủ trì và phối hợp giám sát, kiểm tra.
Ngoài ra, Formosa phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại phát sinh theo quy định tại Nghị định 38 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; xây dựng kế hoạch xử lý chất thải cho toàn bộ dự án và phải hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30-8.
Trong khi đó, chiều cùng ngày, đại tá Bùi Đình Quang - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh - cho biết công an tỉnh đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định trong quản lý, xử lý chất thải nguy hại” tại thị xã Kỳ Anh để điều tra một cách toàn diện. Sau khởi tố, cơ quan công an sẽ thu thập chứng cứ, hoàn tất hồ sơ, quy trách nhiệm từng cá nhân liên quan nhằm làm rõ trách nhiệm việc vận chuyển, chôn lấp chất thải, việc ký hợp đồng giữa Formosa và Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh. Trong vụ việc này, Formosa cũng là đối tượng của vụ án.
Trong khi đó, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định tỉnh đã có văn bản chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc chôn lấp bùn thải trái phép; làm rõ trách nhiệm của Sở TN-MT, UBND thị xã Kỳ Anh, Ban Quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh và các sở, ngành liên quan. Sau khi kiểm điểm làm rõ trách nhiệm sẽ có hình thức kỷ luật cụ thể.
Chưa có kết quả đánh giá môi trường biển
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 2-8, trả lời câu hỏi đến nay, cơ quan chức năng đã có kết quả đánh giá môi trường biển 4 tỉnh miền Trung hay chưa, phương án khắc phục của Chính phủ ra sao, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển trải dài hàng kilomet từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực. Bộ TN-MT đang cùng với các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng, khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. “Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất” - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác, nhất là Bộ TN-MT, xây dựng đề án khôi phục lại hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng.
Đây là vụ việc nghiêm trọng!
Kết quả phân tích bùn thải và chất thải do Bộ TN-MT công bố cũng làm nóng hội trường cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 2-8. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chỉ rõ việc chôn lấp chất thải của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh không phải lần đầu mà là cố ý và có nhiều người thực hiện. Do đó, bộ xác định đây là vụ việc nghiêm trọng nên chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hà Tĩnh cho phép Formosa thuê đất 70 năm có sai thẩm quyền, ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết Luật Đất đai cho phép cho thuê đất dự án có thể là 70 năm. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư 2014 thì điều 47 đã quy định có 5 trường hợp có thể bị tạm ngừng hoạt động của dự án. Trong 5 trường hợp có thể bị tạm ngừng, có 1 trường hợp là tạm ngừng để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Ngoài ra, Điều 48 Luật Đầu tư quy định dự án có thể bị chấm dứt hoạt động nếu thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 47 mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục. Điều kiện ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý đăng ký đầu tư có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động của nhà đầu tư.
“Có nghĩa là đầu tiên thì tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường nhưng nếu không thể khắc phục được thì theo quy định pháp luật hiện nay, có thể dừng hẳn” - đại diện Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.
Bình luận (0)