Chiều 12-6, kết luận phần trả lời chất vấn của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Những vấn đề mà Tổng Thanh tra đã trả lời rất là rộng, sâu và rất thẳng thắn, kể cả những vấn đề công tác cán bộ, kỷ luật cán bộ đều công khai, minh bạch.
Chủ tịch QH cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng là quá trình lâu dài. Chúng ta đã có sự tham gia hưởng ứng khá rộng rãi của toàn dân, của phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan tư pháp đã vào cuộc tích cực và kịp thời phát hiện, xử lý những vụ mà phát hiện được. Trong thời gian gần đây thì còn khẩn trương hơn để xử lý nghiêm túc.
“Kết quả thì so với tình hình tham nhũng, tiêu cực, thất thoát lãng phí, chúng ta làm như vậy, chưa đạt yêu cầu. Dù có chuyển biến tích cực song chưa đạt yêu cầu” - Chủ tịch QH đánh giá.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “QH yêu cầu, nhân dân yêu cầu công tác phòng chống tham nhũng cần nỗ lực hơn, chuyển biến tích cực hơn để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, thất thoát lãng phí”.
Theo Chủ tịch QH, lực lượng chống tham nhũng, từ kiểm soát, toà án, thanh tra… đã có chuyển biến khá tích cực, tập trung thực hiện nhiệm vụ. Đây là các ngành vừa xây dựng vừa bảo vệ pháp luật và đấu tranh trực diện với các tội phạm trong lĩnh vực tham nhũng.
Đặc biệt, Chủ tịch QH lưu ý trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng biểu hiện tiêu cực vẫn còn, thậm chí là tham nhũng, tiếp tay cũng là một nguyên nhân gây ra tham nhũng và tiêu cực. Đây cũng là vấn đề mà QH đặt ra đối với Tổng Thanh tra. “Đấu tranh tham nhũng muốn thành công, trước hết là phải thành công trong lực lượng phòng chống tham nhũng, lực lượng nòng cốt này” - Chủ tịch QH đút kết.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng định hướng thêm: Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, phải phối hợp lực lượng khác, một mình Thanh tra không đủ. Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra và sau thanh tra. Trong đó, các quyết định thanh tra phải đảm bảo tính chính xác, đòi hỏi kiến nghị, đòi hỏi xử lý. Với các vụ có dấu hiệu tội phạm phải chuyển qua cơ quan điều tra, xét xử tiếp. Đây cũng là các vấn đề mà ĐBQH rất lo lắng.
Chủ tịch QH cũng nêu rõ: “Xử lý sau thanh tra, sau kết luận thanh tra thì phải tiến hành phúc tra. Nghĩa là phải làm tới cùng việc thanh tra để việc xử lý thành công”.
Bình luận (0)