Hiện có 16/24 quận - huyện trên địa bàn TP HCM tổ chức đưa rước bình quân 3,5 triệu lượt học sinh/tháng ở 241 trường học. Theo mức trợ giá của năm học 2013-2014, tiền ngân sách đã chi hỗ trợ từ 2.830 - 3.537 đồng/học sinh/lượt (tối đa 2 lượt/ngày/học sinh, riêng huyện Cần Giờ là 4 lượt/ngày/học sinh). Nếu làm phép tính nhân, tiền trợ giá cho hoạt động này không hề nhỏ. Tuy nhiên, ở một vài nơi, “miếng bánh” ngân sách đang bị xà xẻo vô tội vạ.
Tại HTX Thành Long, đơn vị đảm nhiệm đưa rước học sinh cho 81 trường ở 3 huyện, chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 8 trường, cơ quan chức năng phát hiện HTX này đã hợp thức hóa hồ sơ để hưởng tiền trợ giá 4 lượt/ngày/học sinh trong khi toàn bộ hồ sơ thanh toán của các trường thể hiện chỉ 2 lượt/ngày/học sinh. Với hàng trăm học sinh ở mỗi trường, số tiền chênh lệch trợ giá bị ăn bớt không hề nhỏ.
Đã có ít nhất 2 vụ việc được báo chí phản ánh (ngoài HTX Thành Long còn có HTX Phương Lâm), khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện có thất thoát tiền trợ giá. Nếu mở rộng thanh kiểm tra, việc sai phạm liệu có dừng lại ở con số trên?
Ngoài xe buýt đưa rước học sinh, xe buýt vận chuyển hành khách cũng đang là “ẩn số” về tính hiệu quả. Dường như càng trợ giá, hoạt động của xe buýt càng bộc lộ nhiều vấn đề. Hơn 10 năm qua, tiền trợ giá là hàng ngàn tỉ đồng nhưng đứa “con cưng” này chỉ mới đáp ứng được hơn 7% nhu cầu đi lại của người dân. Riêng trong 5 năm gần đây, xe buýt đã “ngốn” hết 3.500 tỉ đồng tiền trợ giá, con số không hề nhỏ trong thời buổi ngân sách eo hẹp.
Không thể phủ nhận phương tiện vận tải hành khách công cộng những năm qua đã góp phần quan trọng trong giảm áp lực giao thông cho thành phố nhưng cũng không thể ngó lơ khi nó đang trở thành gánh nặng cho ngân sách.
Hoạt động đưa rước học sinh dựa trên sự quản lý của 3 bên: Sở Giao thông Vận tải, doanh nghiệp vận tải và nhà trường. Trong đó, nhà trường có trách nhiệm phối hợp cùng doanh nghiệp xác định nhu cầu tham gia của học sinh, số lượng và số lượt học sinh đi xe hằng ngày. Doanh nghiệp vận tải cung cấp dịch vụ và bảo đảm chất lượng. Còn Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng được Sở Giao thông Vận tải giao làm đầu mối quản lý, kiểm tra.
Sai phạm, không thể thu hồi tiền là xong; lãng phí ngân sách, không thể đổ lỗi cho khách quan là qua chuyện. Đã được phân vai nên Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng và người đứng đầu trung tâm này không thể phủi trách nhiệm khi tiền trợ giá bị xà xẻo.
Bình luận (0)