Sáng 29-7, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm.
Nghỉ hưu cũng không thoát tội
Đóng góp ý kiến, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá sự cố môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fromosa (Formosa) gây ra đã gây khốn khổ cho người dân 4 tỉnh miền Trung. Mặc dù đối tượng gây ra sự cố là Formosa đã nhận lỗi và bồi thường nhưng hệ lụy của nó chưa thể chấm dứt. “Người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời bao giờ biển lại trong lành như xưa; liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không? Nếu những câu hỏi trên không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án này” - ông Tám nói.
Đại biểu tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật nhấn mạnh sự cố môi trường do Formosa gây ra là rất nặng nề, nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh này cả về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và làm giảm lòng tin của nhân dân.
“Với sự cố do Formosa gây ra, dư luận và người dân đánh giá rất nghiêm trọng, đầy lo lắng nhưng một số cán bộ lãnh đạo, cơ quan chức năng lại trả lời thiếu cơ sở khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác, thiếu thuyết phục khiến tình tình phức tạp hơn, bức xúc hơn” - ông Thuật bày tỏ.
Đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng cho biết nhân dân và cử tri Quảng Bình mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương trả lời khi nào thì đánh cá gần bờ được, khi nào thì bà con yên tâm ăn hải sản, khi nào môi trường biển an toàn? “Chúng ta cần tôm cá, cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không khi Formosa như một quả bom về môi trường khiến ai cũng lo lắng” - ông Thuật nhấn mạnh.
Cũng phát biểu về sự cố môi trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động của Formosa để bảo đảm không tái phạm. “Cùng đó, cần có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người không còn đương chức” - ông Đồng đề nghị.
Ông Cự không được giám sát Formosa
Chiều cùng ngày, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc phê chuẩn bầu ông Võ Kim Cự là thành viên Ủy ban Kinh tế của QH khi bản thân ông Cự đang bị đặt vấn đề về trách nhiệm liên quan đến cấp phép thuê đất 70 năm cho Formosa, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định đây là 2 việc khác nhau.
“Theo điều 30 của Luật Tổ chức QH, các đại biểu có quyền đăng ký vào các ủy ban của QH. Ông Cự là cử nhân tài chính ngân sách, thạc sĩ quản trị kinh doanh nên tham gia Ủy ban Kinh tế là phù hợp” - Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Cũng theo ông Phúc, về trách nhiệm của ông Cự khi nguyên là Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất 70 năm thì Thanh tra Chính phủ đã làm rõ là không đúng thẩm quyền của địa phương và ông Cự đã nhận trách nhiệm. Sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan xem xét. Đồng thời, thấy việc cấp phép đó là đủ điều kiện.
Với hoạt động giám sát Formosa sẽ được triển khai tới đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã giao trách nhiệm cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. “Tới đây, nếu có vấn đề liên quan đến kinh tế mà cần giám sát thì QH sẽ giao cho các ủy ban liên quan, mà ở đây là Ủy ban Kinh tế. Ủy ban Kinh tế sẽ phân công nhiều thành phần nhưng chắc chắn không có ông Cự tham gia để bảo đảm sự khách quan” - Tổng Thư ký nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, nhấn mạnh trong điều kiện hiện nay, hoàn toàn có thể tin cậy hiệu quả giám sát bởi các ủy ban của QH đều là cơ quan chuyên môn, có đầy đủ các chức năng thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng trong kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Trên cơ sở giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, QH sẽ xem xét và đưa ra chủ trương cụ thể đối với vấn đề Formosa.
Đối với ý kiến dư luận đề nghị xem xét tư cách đại biểu QH của ông Võ Kim Cự, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay không có cơ sở để xem xét về tư cách đại biểu đối với ông Cự. Sau này, quá trình các cơ quan xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thì mới có thể xác định được.
Nông dân đang rất lo lắng
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (6,32%) và thấp hơn mục tiêu của cả năm là 6,7%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của nhiều ngành, trong đó khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm 0,8%.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng nhiều địa phương chạy theo thành tích, huy động đóng góp quá sức của nông dân với nhiều khoản đóng góp phi lý theo kiểu “sưu cao thuế nặng” không khác gì thời phong kiến. Theo ông, nông dân hiện rất lo lắng, bởi giữ được sinh kế, có miếng cơm manh áo còn khó chứ đừng nói sản phẩm nông nghiệp chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Bình luận (0)