xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc vượt ngục chấn động

NHƯ PHÚ - KIM CƯƠNG

Cuối năm 1956, hàng trăm tù nhân đã cướp súng, phá nhà lao Tân Hiệp và trong số này, 462 người đào thoát. Đây là cuộc vượt ngục tập thể lớn nhất, gan dạ nhất trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ – ngụy

Đã 53 năm sau ngày vượt ngục (1956), ông Nguyễn Văn Thông, nguyên bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, vẫn cứ ứa nước mắt khi kể lại ngày nhà báo Dương Tử Giang, bị giam tại nhà lao Tân Hiệp thời điểm ấy, ngã xuống: “17 giờ 30 phút ngày 2-12-1956, anh Giang cùng hàng trăm tù nhân chính trị nổi dậy phá khám Tân Hiệp. Trong lúc địch và ta bắn nhau ác liệt, anh Giang đã vượt qua cổng ngục, khi tới suối Đồng Tràm thì bị trúng đạn rồi nằm sấp bên bờ suối, tắt thở”.

img

Ông Nguyễn Văn Thông, nguyên bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, một trong những chiến sĩ xung kích cướp kho súng, vượt ngục Tân Hiệp ngày 2-12-1956.


Chuẩn bị nổi dậy


Biết được sự nguy hiểm từ bên trong nhà lao Tân Hiệp, địch luôn canh phòng cẩn mật. Đề phòng trường hợp địch cài người đóng giả tù nhân trà trộn để lấy thông tin, các chiến sĩ trong nhà lao đã chủ định liên hệ với nhau bằng ám hiệu. Ông Nguyễn Văn Thông kể: “Chúng tôi thường tranh thủ lúc ăn cơm hay sinh hoạt tập thể để liên lạc nhau. Việc này hết sức bí mật, phải dùng ám hiệu và chỉ trao đổi với những đảng viên đã quen biết từ trước”.


Giữa năm 1956, toàn nhà lao Tân Hiệp giam giữ trên 1.000 tù nhân, trong đó có khoảng 200 đảng viên cộng sản. Nhà tù chia thành 8 trại giam, trong đó phần lớn chiến sĩ cách mạng bị giam ở các trại D, E, G. Thông qua ám hiệu, đảng ủy của nhà lao đã được thành lập do ông Nguyễn Trọng Tâm làm bí thư. Tình thế bấy giờ khiến đảng ủy quyết định tổ chức vượt ngục để những người yêu nước sớm trở về hoạt động cách mạng. Đảng ủy chỉ đạo các trại giam phải tuyển chọn những đảng viên còn khỏe mạnh, xuất thân từ bộ đội, du kích, có kinh nghiệm chiến đấu, nhất là bản lĩnh chính trị vững vàng để đưa vào lực lượng xung kích, làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy phá khám.


Kế hoạch táo bạo


Chủ trương vượt ngục là hết sức táo bạo vì theo Ban Chỉ đạo Điều tra hậu quả chiến tranh tỉnh Đồng Nai do ông Nguyễn Trùng Phương, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, làm trưởng ban, trước thời điểm nổ ra cuộc vượt ngục, nhà lao Tân Hiệp đã được củng cố, xây dựng hoàn chỉnh. Toàn khu vực được bao kín bằng hai lớp kẽm gai và một hệ thống 9 tháp canh lớn. Mỗi tháp canh đủ chỗ cho 3 lính gác. Các tháp canh số 1, 3, 5, 7 được trang bị súng trung liên, một loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Cổng trại giam làm bằng thép dày, rộng 4 m, cao 2,4 m. Cạnh cổng là đồn canh lớn và kho súng. Nơi đây thường xuyên có một tổ lính bảo an canh gác suốt ngày đêm.

Đến tháng 11-1956, mọi kế hoạch cho cuộc vượt ngục đã cơ bản hoàn thành. Lúc này, khoảng 300 đảng viên, cán bộ cốt cán đã được tuyển chọn, sẵn sàng phá ngục. Thời điểm nổi dậy được ấn định là chiều thứ bảy, ngày 1-12-1956. Tuy nhiên, theo lời kể của một số cựu tù, đúng vào ngày này, một chiếc xe chở nhóm chỉ huy và rất nhiều binh lính của địch bất ngờ đến nhà lao. Những người tù cách mạng nín thở vì tưởng kế hoạch vượt ngục đã bị lộ. Lập tức, đảng ủy nhà lao mật báo đến tất cả trại giam bình tĩnh chờ lệnh. Từng phút, từng giờ trôi qua thật nặng nề. Nếu kế hoạch bị lộ thì địch sẽ tiến hành thủ tiêu những tù nhân chúng nghi có ý định vượt ngục.

img
Di tích “Nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá nhà lao Tân Hiệp”, hiện tọa lạc tại khu vực nhà lao Tân Hiệp (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: NHƯ PHÚ

Hành động gan dạ


Đêm 1-12-1956 rồi cũng trôi qua êm thấm. Biết kế hoạch không bị bại lộ, đảng ủy tiếp tục mật báo và ấn định thời điểm nổi dậy là chiều 2-12-1956. Ông Nguyễn Văn Thông, lúc đó là tổ trưởng tổ đảng trại E, nhớ lại: Đúng 17 giờ 30 phút hôm đó, sau tiếng kẻng, hàng trăm tù binh đồng loạt vùng ra khỏi trại giam. Khoảng 70 người nhắm kho súng phía trước trại ào tới. Tất cả đều tay không, xông vào đấu giáp lá cà với một trung đội của địch, cướp được 50 khẩu súng. Riêng mũi xung kích gồm 17 người do ông Thông chỉ huy cướp được 13 khẩu súng. Ông Thông cầm khẩu trung liên cùng mũi xung kích của mình đọ súng với địch và bảo vệ đoàn tù hơn 300 người chạy thoát về hướng Long Thành - Bà Rịa.


Trong cuộc vượt ngục lịch sử này, 462 tù nhân chính trị đã được giải thoát, về với cách mạng. Sau này, có người được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nhiều người nắm những chức vụ quan trọng. 22 người đã ngã xuống trong khu vực nhà lao, trong đó có nhà báo Dương Tử Giang - người kịch liệt phản đối các lớp học tố cộng trong nhà lao Tân Hiệp và chuyên soạn những vở cải lương thấm đẫm tinh thần yêu nước để các bạn tù trình diễn nhằm động viên nhau gìn giữ khí tiết.

Tiếng súng bạo lực cách mạng đầu tiên


Năm 1994, Bộ VHTT  đã quyết định công nhận nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá nhà lao Tân Hiệp ngày 2-12-1956 là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2006, sau thời điểm UBND tỉnh Đồng Nai xẻ đất nhà lao Tân Hiệp bán cho Ngân hàng Công Thương, trong một lá thư góp ý về việc trùng tu tôn tạo di tích lịch sử nhà lao Tân Hiệp, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Trọng Tâm, nguyên bí thư Đảng ủy nhà lao Tân Hiệp, viết:  “Di tích lịch sử nhà lao Tân Hiệp quá nhỏ bé, chật hẹp, chưa tiêu biểu được lịch sử đấu tranh ác liệt đối với kẻ thù và chưa tiêu biểu được giá trị lịch sử này như đồng chí Lê Duẩn (nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN) khi báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị: “Cuộc phá nhà lao Tân Hiệp là tiếng súng bạo lực cách mạng đầu tiên ở miền Nam, minh chứng cho bản dự thảo đường cách mạng miền Nam”.

 

Nói thêm cho rõ


Trong bài báo “Nơi lửa thử vàng” ra ngày 3-8 có đoạn viết: “Nếu tù nhân không chịu khai báo, bọn cai ngục cột chặt chân tay và bắt họ uống nước đái lâu ngày, nước xà phòng... qua miệng và lỗ mũi. Khi tù nhân đã no, chúng nhảy lên bụng họ đạp cho nước phụt ra đường miệng và mũi cho đến lả đi”. Đây là lời kể của ông Võ Thế Đại, cựu tù chính trị bị giam ở nhà lao Tân Hiệp, được Ban Chỉ đạo Điều tra hậu quả chiến tranh tỉnh Đồng Nai trích đăng trong sách Tội ác Mỹ ngụy tại nhà lao Tân Hiệp - Biên Hòa xuất bản năm 1995.


Kỳ tới: Hàng trăm hài cốt chưa được quy tập

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo