Định thần lại sau nhiều ngày khóc hết nước mắt khi nghe tin Đại tướng qua đời, ông Võ Đại Hàm (70 tuổi), cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông và là người được Đại tướng tin tưởng giao trọng trách trông coi ngôi nhà ở quê của Đại tướng ngót 30 năm nay, đã có buổi trò chuyện với Báo Người Lao Động.
Ông Võ Đại Hàm: Đại tướng thích ăn cơm nhà hơn ăn cơm huyện mời vì thấm đượm tình cảm gia đình
Đôi mắt sâu húp, mái tóc nhuốm bạc và thân người gầy gò, ông Hàm nhớ như in những tình cảm của Đại tướng dành cho ông. Ông kể Đại tướng là người đã nuôi ông ăn học thành người. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp một trường CĐ ở Hà Nội, ông được Đại tướng mở lời bảo về quê trông coi ngôi nhà cũ. Không hề đắn đo, ông Hàm bỏ dở tất cả mọi việc để trở về quê. “Lúc đó, tôi nghe Đại tướng nói thế thì đồng ý về quê ngay với ước nguyện đáp lại sự dạy dỗ, chăm sóc của người. Cũng không ngờ sau đó ngôi nhà này lại làm nhà Lưu niệm của Đại tướng, rồi có du khách đến thăm quan” - ông Hàm bộc bạch.
Hơn 30 năm trông coi ngôi nhà của Đại tướng, ông Hàm lưu giữ biết bao nhiêu kỷ niệm mà theo ông là kể mãi cũng không hết. Theo ông Hàm, mỗi lần về thăm quê, ngoài việc nói chuyện với cán bộ địa phương, đi thăm một số địa điểm ở các huyện khác của tỉnh Quảng Bình, Đại tướng dành nhiều thời gian với làng An Xá và ngôi nhà gắn bó tuổi thơ của mình.
“Mỗi lần về quê, Đại tướng thường đi đến từng nhà để thăm hỏi, động viên bà con, các cháu học sinh trong làng. Đặc biệt, khi nào Đại tướng cũng nói dù ăn sướng ăn khổ, ăn cơm nhà vẫn ngon hơn ăn cơm huyện mời, bởi vì nó thấm đượm cái tình cảm gia đình. Món ăn mà Đại tướng thường bảo vợ chồng tôi làm thường rất bình dị như món rau muống luộc, cá lóc kho khô, tép khô rang nước mắm, canh khế nấu cá rô đồng…” - ông Hàm cho biết.
Ngoài ra, khi còn khoẻ mạnh, mỗi lần về quê, Đại tướng thường xuống tắm ở dòng Kiến Giang ngay phía sau nhà, hoặc leo lên những con đò nhỏ để người dân chèo dọc dòng sông ngắm cảnh. “Đại tướng đặc biệt yêu thích dòng sông Kiến Giang bởi vì sự yên bình của nó, dù mùa đông hay mùa hè nước vẫn chảy rất êm đềm”.
Cây khế hơn 100 tuổi trong vườn nhà Đại tướng
Chỉ tay vào hàng chè the phía trước cổng nhà, ông Hàm nói: “Lúc nào Đại tướng cũng dặn dù thế nào cũng phải giữ lại hàng chè the chứ đừng có chặt đi để xây hàng rào xi măng. Phải giữ cây khế, cây vú sữa trong sân để có bóng mát. Nhà cửa thì càng phải giữ, đừng cải tạo thành khối bê-tông. Đại tướng thường nhắc nhở: “Ở quê thì ở nhà tranh, cấy cối trong vườn sum suê mới mát mẻ, sức khoẻ mới tốt được” - ông Hàm hồi tưởng.
Ở tuổi 70, ông Hàm nói cuộc đời mình chẳng có điều gì tiếc nuối nhưng chỉ sợ không được sống thêm nhiều năm nữa để tiếp tục trông coi, chăm sóc ngôi nhà của Đại tướng ở quê hương. “Tôi nay tuổi cũng đã già, sức lực ngày càng yếu dần. Ngôi nhà này sau này sẽ được đứa con trai út của tôi kế vị tiếp tục trông coi. Tôi thường dạy nó phải cố gắng học hỏi những kiến thức về dòng họ, về con người của Đại tướng để sau này có thể giải thích, truyền đạt cho du khách khắp nơi về con người của Đại tướng” - ông Hàm tâm sự.
Người dân thắp hương cho Đại tướng tại quê nhà
Ông Hàm cho biết thêm mặc dù chưa đến ngày viếng chính thức nhưng những ngày gần đây người dân đến thăm viếng rất đông. Mỗi ngày có hàng trăm đoàn người đến thắp hương Đại tướng. “Dòng người nườm nượp kéo đến thắp hương thể hiện tình cảm mà người dân dành cho Đại tướng hết sức lớn. Trong đó, có nhiều người từ rất xa, khắp mọi miền đất nước. Mới hôm qua đây, có đoàn 3 anh em con của Anh hùng Nguyễn Quốc Trị đánh xe từ Nghệ An ra Hà Nội xếp hàng 1 ngày không vào viếng bác được, đành phải quay vô Quảng Bình để thắp hương cho người” - ông Hàm xúc động, nói.
Bình luận (0)