Sáng 10-5, HĐND và Đài Truyền hình TP HCM đã phối hợp tổ chức chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 5 với chủ đề “Tiếp công dân trong giải quyết hồ sơ cải cách hành chính”.
“Làm đúng nhưng bị lập biên bản”
Nhiều cử tri nhìn nhận công tác cải cách hành chính ở TP HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, công chức đã biết cười và thái độ lịch sự khi tiếp công dân. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất, kéo dài nhiều năm nay là còn hiện tượng né tránh, sợ trách nhiệm, cố tình làm khó dân để trục lợi của cán bộ, công chức. Đây chính là lực cản cho việc cải cách thủ tục hành chính.
Cử tri Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng - Bộ Nội vụ, cảnh báo: “Khi làm giấy tờ, nhất là liên quan đến đất đai, phải “bôi trơn” mới được việc. Tôi biết một hộ dân làm đúng nhưng phường vẫn kéo đến lập biên bản, không cho thi công”. Còn ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, đánh giá cán bộ tiếp dân vẫn còn thái độ hách dịch, gây phiền hà. Vì vậy, người dân “ngán” đến cơ quan công quyền làm thủ tục hành chính.
Đi khảo sát thực tế ở nhiều quận, huyện, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Phạm Văn Bá cho biết người dân còn than phiền nhiều về cấp phép xây dựng, đặc biệt là bản vẽ xây dựng bị cán bộ yêu cầu sửa đi sửa lại nhiều lần, kéo dài thời gian làm hồ sơ gây rất nhiều khó khăn. “Bất cứ cán bộ nào cũng có quyền kêu dân bổ sung cái này, chỉnh sửa cái kia” - ông Bá nêu thực trạng.
Trước những phản ánh trên, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: “Phải chăng có “sân sau”, “bôi trơn” để được việc khi làm thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai? Chính quyền không thể né tránh việc này, phải nhìn trực diện để xử lý. Sở Nội vụ phải tiến hành thanh tra công vụ”.
Đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Đỗ Phi Hùng nhìn nhận có hiện tượng “bôi trơn” nhưng không phải ở đâu cũng vậy. “Thẳng thắn mà nói thì cán bộ trong ngành vẫn chưa tốt, còn gây phiền hà cho đối tượng làm thủ tục hành chính. Thời gian qua, sở đã xử lý cán bộ vi phạm và sắp tới sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng, tập huấn nghiệp vụ để tránh sai sót trong hồ sơ, đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan để thực hiện hiệu quả cơ chế liên thông một cửa” - ông Hùng cho biết.
Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này sẽ chủ động kiểm tra, đánh giá việc thực hiện cải cách hành chính; chấn chỉnh, xử lý ngay các trường hợp vi phạm thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho người dân trong công tác cấp giấy chứng nhận, nhất là quy định kết quả thực hiện cải cách hành chính là tiêu chí để đánh giá công tác thi đua khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức. “Chúng tôi đang trình cơ quan thẩm quyền thành lập văn phòng đất đai một cấp để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ kịp thời cho người dân” - ông Thạch nói.
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Trung Nhân cho biết từ năm 2011-2013, sở đã 18 lần thanh tra công vụ, 8 lần thanh tra đột xuất. Năm 2014, sở đã thanh tra 4 sở - ngành, 5 quận - huyện, 2 doanh nghiệp, qua đó chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong cải cách hành chính.
Hơn 90% nhà, đất được cấp giấy chứng nhận
Theo ông Trần Văn Thạch, tính đến cuối năm 2014, TP HCM cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp đủ điều kiện. TP đã cấp được 1.406.946 giấy chứng nhận, đạt tỉ lệ 92,3% trên tổng số 1.523.578 trường hợp nhà, đất trong địa bàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn đọng các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mà phần lớn là do trước đây có nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng, tranh chấp hoặc vi phạm xây dựng...
Hiện TP HCM còn 116.632 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận vì không đủ điều kiện theo quy định pháp luật; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng không phù hợp quy hoạch; vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý; nguồn gốc quá trình sử dụng đất không rõ ràng, đang tranh chấp, chưa xác định đầy đủ các thừa kế...
Bình luận (0)