Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những bài học quý giá được rút ra từ quá trình hoạt động chính trị, khoa học của ông Trần Văn Giàu; vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP HCM.
Theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, ông Trần Văn Giàu sinh ra trong một gia đình điền chủ, được cha mẹ cho ăn học nghiêm túc. 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp tú tài tại trường Tây - Chasseloup Laubat, ông được gia đình cho sang Pháp du học với lời hứa sẽ “mang về 2 bằng tiến sĩ”. Một con đường vinh hiển, một tương lai giàu sang mở ra trước mắt nhưng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc đã thôi thúc ông dấn thân vào một cuộc đấu tranh đầy gian nan, nguy hiểm.
Trong suốt cuộc đời hoạt động, ông Trần Văn Giàu luôn là một người yêu nước đầy nhiệt huyết, một nhà cách mạng triệt để, không khoan nhượng. Ông không chỉ là người bộc trực, năng động, nhiều sáng kiến, có tài hùng biện mà còn là người luôn đi tiên phong, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy.
PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định bản lĩnh Trần Văn Giàu được biểu hiện qua 80 năm hoạt động của ông nhưng có lẽ nổi trội, rõ ràng hơn cả là 2 quyết định mang tính lịch sử vào thời khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc - tháng Tám năm 1945. Ông đã cùng Xứ ủy Nam Kỳ xây dựng đội quân chính trị đông đảo, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.
Theo PGS-TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - thời gian 17 năm công tác tại Viện Sử học, GS Trần Văn Giàu đã cùng các cán bộ của viện tập trung nghiên cứu làm rõ nhiều vấn đề của lịch sử dân tộc Việt Nam, trong đó chú trọng nghiên cứu về giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trong thời kỳ Pháp thuộc. “Giai cấp công nhân Việt Nam, sự hình thành và sự phát triển của nó từ giai cấp “tự mình” đến giai cấp “cho mình” (Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1958) của ông được đánh giá là công trình nghiên cứu về công nhân đồ sộ nhất đến nay.
Ông Phan Xuân Biên khẳng định nói đến Trần Văn Giàu là nói về một nhà khoa học lớn, đại thụ của khoa học xã hội Việt Nam. Suốt cuộc đời, GS Trần Văn Giàu đã liên tục sáng tạo, được giới khoa học thừa nhận “chưa có người nào viết nhiều như thế”. Ông đã có hơn 150 công trình khoa học với hàng vạn trang sách đã xuất bản. Sách của GS Trần Văn Giàu nếu đem ra cân thì chắc chắn trọng lượng lớn hơn cơ thể ông, nếu đem xếp chồng lại thì cao hơn chiều cao của ông.
Phát biểu bế mạc, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, khẳng định kết quả của buổi tọa đàm đã thúc đẩy, gợi mở chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách của nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học Trần Văn Giàu để vận dụng vào nhiệm vụ xây dựng bảo vệ, phát triển TP.
Ông Trần Văn Giàu sinh năm 1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Ông nguyên là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Tổng Giám đốc Nha Thông tin, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ông đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1...
Bình luận (0)