Ở nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp âm mưu giết hại tù chính trị bằng cách đánh đập, tra tấn đến chết, ít ra cũng tàn phế, bệnh tật, ốm đau không còn hoạt động cách mạng được nữa. Mặt khác, chất lượng bữa ăn ở đây quá tệ hại làm cho sức lực tù nhân ngày càng giảm sút. Một số người vào Hỏa Lò không lâu đã bị bệnh tê phù, tiểu ra máu rồi chết.
Tuyệt thực để tranh đấu
Chính vì vậy, các cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống thường xuyên nổ ra ở nhà tù Hỏa Lò. Tù nhân đòi cải thiện đời sống nhằm duy trì cuộc sống, chờ ngày về với cách mạng. Giai đoạn 1930-1945, tù chính trị bị bắt vào Hỏa Lò ngày càng đông, trong đó tù cộng sản chiếm đa số. Chi bộ Đảng được thành lập, sự chỉ đạo đấu tranh càng chặt chẽ hơn. Các đợt đấu tranh có hình thức từ thấp đến cao, từ đưa yêu sách đến hò la, tuyệt thực...
Cuộc tuyệt thực đầu tiên của tù chính trị ở Hỏa Lò diễn ra từ ngày 4 đến 11-2-1930. Cuộc tuyệt thực thứ hai bắt đầu từ trưa 1-11-1931 có kết hợp với việc hò la, đưa khẩu hiệu: “Phải thực hiện chế độ tù chính trị! Phản đối mắm thối, rau già!”. Tù nhân ở cả 9 phòng giam tại Hỏa Lò đều tham gia đợt tuyệt thực này.
Đến tối, tiếng hò la của tù nhân càng vang động, vượt tường đá lan ra ngoài phố phường. Địch lo sợ, tăng cường đánh đập, phun nước vào các phòng giam. Máu hòa với nước lênh láng khắp nơi. Cuộc tuyệt thực này kéo dài đến ngày thứ tám mới kết thúc.
Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1932, tù chính trị cộng sản ở Hỏa Lò tổ chức lễ kỷ niệm. Đồng chí Trường Chinh diễn thuyết về lịch sử ngày 1-5 và nhiệm vụ cách mạng VN. Giám ngục xông vào hạ cờ đỏ búa liềm, bắt giam ông và đại diện tù nhân vào xà lim.
Lực lượng tù nhân phản kháng, phát động đấu tranh toàn trại giam. Địch huy động cảnh sát đến đàn áp, dùng xe phun nước xối xả vào tù nhân. Địch ra lệnh phạt toàn thể tù chính trị 2 tháng ăn cơm với muối. Ban lãnh đạo tiếp tục phát động tuyệt thực để phản đối. Khi cuộc tuyệt thực kéo dài qua ngày thứ sáu, địch nhượng bộ, thả những người bị nhốt trong xà lim, hứa thực hiện chế độ tù chính trị, bảo đảm tiêu chuẩn ăn uống hằng ngày...
Trường học trong lao tù
Những người cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học: Học tập văn hóa và học tập cách mạng. Do đó, nhiều người sau khi ra tù không những vững vàng về bản lĩnh cách mạng mà trình độ văn hóa còn vượt lên một bậc. Trong cao trào đấu tranh của công - nông năm 1930, quần chúng tham gia đông đảo. Số người bị bắt vào Hỏa Lò phần lớn còn mù chữ, song khi ra tù, hầu hết đều đọc thông, viết thạo, biết cả tiếng Pháp, tiếng Hán...
Trường học cách mạng trong Hỏa Lò những năm 1931-1934 được nhắc đến nhiều nhất. Thời kỳ này, phần đông những người lãnh đạo Đảng sa vào tay kẻ thù. Các đồng chí là những người có học vấn cao, giỏi tiếng Pháp, có trình độ lý luận chính trị. Khi vào tù, họ là nòng cốt xây dựng tổ chức, đồng thời là những người thầy giỏi trong các lớp văn hóa, chính trị của tù nhân. Các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Trọng Đàm, Lương Khánh Thiện, Lê Duẩn... là những người tích cực hướng dẫn tù nhân học tập chính trị, văn hóa.
Mỗi lớp học trong Hỏa Lò có 15-20 người, được một tù nhân cộng sản phụ trách. Tù nhân ngồi quây quần ở góc sân khi được ra ngoài sưởi nắng hoặc tập trung theo nhóm trong các phòng giam. Học tập thường theo lối vấn đáp và tranh luận với nhau. “Phấn” thường là những mảnh gạch non cạy ở sân, “giấy” là nền xi măng của phòng giam. Các lớp chính trị thường bắt đầu vào buổi trưa và tối, khi giám thị đã lui ra.
Mặt tiền nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: S.T
Chế độ nhà tù của thực dân Pháp quy định: “Không để lọt vào một mẩu giấy trắng, một mẩu bút chì, một tờ báo, một quyển sách...”. Do đó, tù nhân ở Hỏa Lò phải xoay xở để có được “tài liệu học tập”.
Với những người còn bị giam giữ chưa xử án, thường chiều thứ bảy sẽ được nhận đồ ăn từ người nhà đưa vào. Những mảnh giấy báo chữ Pháp dùng để gói đồ ăn, vật dụng trông cũ kỹ thường được cho qua. Người nhà đã khôn khéo mua báo mới, nhưng xé tên tờ báo, vò cho nhàu nát để che mắt bọn gác ngục.
Những mảnh giấy báo này đã giúp tù nhân theo dõi tin tức bên ngoài. Ngoài ra, một số đồng chí còn nhờ người nhà “cân ký” những tờ báo cũ để gửi vào, bảo là dành đi tiêu, song các đồng chí bên ngoài cắt các tin quan trọng ở các tờ báo khác dán vào đó. Từ những tờ báo cũ, tù nhân tỉa ra để học từng từ một rồi nhờ người giảng văn phạm, nối các từ lại với nhau, đồng thời xem cho biết tin tức.
Đối với những tù chính trị đã bị kết án, việc học của họ gian khổ hơn nhiều. Hằng ngày, tù nhân chỉ được ra ngoài 2 lần để tiện việc quét dọn phòng giam, mỗi lần ra vào cửa là một lần khám xét ngặt nghèo. Họ đã biến thùng vệ sinh ở giữa phòng giam thành nơi thu nhận, chuyển phát các vật dụng, thư từ, sách báo...
Các phòng giam chật hẹp, hôi thối đã biến thành những lớp học văn hóa - ngoại ngữ, những lớp huấn luyện cách mạng... Các bộ sách Tư bản luận, Kinh tế chính trị học, Duy vật lịch sử, Triết học duy vật, các báo ngày xuất bản ở Hà Nội... đều được chuyển, giấu qua “hộp thư” đặc biệt ấy.
Nhờ việc học tập văn hóa, chính trị mà phẩm chất chính trị của các chiến sĩ cộng sản ngày càng được nâng cao. Họ học để tự đấu tranh và giúp nhau đấu tranh, gạt bỏ những tư tưởng sai trái, những tình cảm yếu đuối khi bị tù đày; học để chuẩn bị cho ngày ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong công văn mật số 1053.SG ngày 11-3-1935, nhà cầm quyền Pháp nêu rõ: “Tuyên truyền cách mạng vẫn tiếp tục hoành hành trong các nhà giam và biến nhà giam thành trường học thật sự của những tên quấy rối”.
Kỳ tới: Làm báo trong nhà tù
Bình luận (0)