Năm 1930-1931, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng bị giam ở Hỏa Lò, như: Tống Văn Trân, Nguyễn Hới, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, Trịnh Định Cửu, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Lê Duẩn, Đặng Việt Châu... Khi vào nhà tù, họ đã nghĩ ngay đến việc thành lập chi bộ Đảng ở đây.
Vẫn phải tiếp tục đấu tranh
Qua vận động, trao đổi ý kiến, các chiến sĩ cộng sản này thống nhất: Trong tù vẫn phải tiếp tục đấu tranh, do đó phải tổ chức chi bộ Đảng. Tổ chức Đảng phải chặt chẽ, nhằm vào những người trung thành. Đối với một số đảng viên khi bị tra khảo đã khai báo hoặc vào tù đã “nằm im” thì cần có thời gian rèn luyện, thử thách, khi nào đủ tiêu chuẩn mới được sinh hoạt Đảng...
Khoảng cuối năm 1931, đầu năm 1932, chi bộ Đảng ở nhà tù Hỏa Lò được thành lập do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm bí thư. Chi bộ được tổ chức và hoạt động rất bí mật. Chi bộ có nhiệm vụ lãnh đạo việc giữ trật tự và sinh hoạt trong tù; quyết định các cuộc đấu tranh; tuyên truyền và huấn luyện chủ nghĩa cộng sản cho tù nhân; lãnh đạo cuộc bút chiến với tù nhân Quốc dân Đảng...
Theo báo cáo, khi chuẩn bị đại hội vào đầu năm 1933, chi bộ Đảng nhà tù Hỏa Lò có 20 đảng viên. Chi bộ lãnh đạo thông qua các tổ chức quần chúng, như: Hội Lao tù, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Ban Trật tự, Ban Tranh đấu...
Trong những năm 1931-1932, hoạt động của chi bộ trong tuyên truyền, huấn luyện, đấu tranh với địch, bút chiến với tù nhân Quốc dân Đảng... được triển khai mạnh mẽ. Chi bộ đã tập hợp được sức mạnh của tập thể tù nhân, chung đúc được trí tuệ, kinh nghiệm của chiến sĩ cộng sản ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực để tìm ra những phương pháp đấu tranh đạt hiệu quả cao nhất.
Bút chiến với tù Quốc dân Đảng
Trong thời kỳ 1930-1932, thành phần tù chính trị trong Hỏa Lò chủ yếu là tù cộng sản và tù Quốc dân Đảng. Cùng bị giam chung một nơi nhưng do có sự khác nhau về thế giới quan, nhân sinh quan và quan điểm, chủ trương cách mạng trong tù nên đảng viên Quốc dân Đảng đã ra tờ báo Khúc tiêu sầu để tiêu khiển với nhau và nói xấu những người cộng sản.
Những người cộng sản đã làm ra Lao tù Tạp chí, Tạp chí Cộng sản để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng, vạch trần tội ác của đế quốc, kêu gọi mọi người đấu tranh. Báo của tù cộng sản đôi lúc cũng phê phán tù Quốc dân Đảng về quan điểm, lập trường và về ý thức sinh hoạt. Do đó, mâu thuẫn giữa tù cộng sản và tù Quốc dân đảng ngày càng sâu sắc.
Toàn cảnh nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: S.T
Tháng 2-1932, nhân kỷ niệm 2 năm ngày khởi nghĩa Yên Bái, tù cộng sản viết một bài báo nói về sự kiện này. Với thái độ và phương pháp nghiên cứu đúng đắn, bài báo đã nêu lên những ưu - khuyết điểm và những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc khởi nghĩa. Những người cầm đầu tù Quốc dân Đảng không tán thành bài báo đó và viết bài tranh luận. Do đó, cuộc bút chiến nổ ra.
Các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn... đóng vai trò tích cực trong cuộc bút chiến này. Tù chính trị cộng sản có một số tờ báo tham gia cuộc tranh luận này như: Đuốc đưa đường do Lê Duẩn làm chủ bút, Con đường chính, Đuốc VN do Trường Chinh làm chủ bút.
Nội dung cuộc bút chiến gồm các vấn đề: Giai cấp và đấu tranh giai cấp; tổ quốc và gia đình; chủ nghĩa tam dân và chủ nghĩa cộng sản... Trong các cuộc bút chiến, tù Quốc dân Đảng thường bị đuối lý, trong khi anh em tù chính trị cộng sản trưởng thành lên về mặt lý luận.
Thắng lợi trong cuộc bút chiến của những người cộng sản có tác dụng làm phân hóa hàng ngũ tù Quốc dân Đảng. Những người cầm đầu phản động của Quốc dân Đảng bị cô lập; nhiều người khác có cảm tình với Đảng Cộng sản. Không ít người đã từ bỏ hàng ngũ Quốc dân Đảng, chuyển sang Đảng Cộng sản.
Cuộc vượt ngục nổi tiếng
Vượt ngục là hình thức đấu tranh tích cực nhất, cao nhất và cũng nguy hiểm nhất của người cách mạng khi bị cầm tù. Ở Hỏa Lò, những năm 1930-1945 có một số cuộc vượt ngục của tù nhân, khi trèo tường, khi trà trộn với thân nhân vào thăm, lúc chui ống cống...
Song, cuộc vượt ngục vào cuối năm 1932 của bảy đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển, Võ Duy Cương là nổi tiếng nhất. Đây cũng là cuộc vượt ngục đầu tiên của tù nhân Hỏa Lò. Những cuộc vượt ngục khác phải đợi đến những năm 1943-1945, khi Nhật - Pháp xáo trộn nhiều, mới tiến hành được.
Hỏa Lò là một nhà tù kiên cố. Nhóm bảy chiến sĩ cộng sản nhận định chỉ có cách ra nằm ở nhà thương Phủ Doãn mới mong trốn thoát được. Do đó, mỗi người phải tạo cho mình một căn bệnh hiểm nghèo để xin y tá cho ra nhà thương.
Có người ho sù sụ, khạc đàm lẫn máu, khai “ho lao”. Có người nín thở, y tá khám thấy nhịp tim bất thường, khai “suy tim cấp”. Có người làm cho lở loét “chỗ hiểm”, khai bị “bệnh giang mai”... Đồng chí Lê Đình Tuyển giả điên, đập phá, la hét dữ dội. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Võ Duy Cương phải cắt cổ, vờ tự tử... Các chiến sĩ cộng sản này đều được đưa qua nhà thương.
Ở nhà thương, địch vẫn canh phòng hết sức cẩn mật. Hằng ngày, đồng chí Lê Đình Tuyển vừa giả điên đập phá ầm ĩ vừa cưa song sắt cửa sổ. Tiếng cưa song sắt hòa lẫn với tiếng gào thét, đập phá..., địch không phát hiện được.
Đúng đêm Noel 1932, bảy người trong nhóm Nguyễn Lương Bằng bẻ song sắt, trèo tường, vượt qua hàng rào kẽm gai của nhà thương, hòa vào dòng người đi nhà thờ tấp nập và tẩu thoát.
Các đồng chí chia nhau mỗi người đi về một địa phương, tìm cách bắt liên lạc với Đảng để tiếp tục hoạt động. Trong cuộc vượt ngục nổi tiếng này, 3 người bị bắt lại, những người còn lại đều thoát được về với cách mạng.
Bình luận (0)