Với tù nhân, các tờ báo tù là phương tiện để nối kết lực lượng, là phương tiện học tập, nâng cao trình độ chính trị, là vũ khí hiệu quả để đấu tranh...
Phòng giam trong nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Tư liệu
Loại vũ khí mới
Con đường chính là tờ báo của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương trong nhà tù Hỏa Lò, xuất bản từ tháng 2-1931 đến năm 1932. Chủ bút Con đường chính là đồng chí Trường Chinh, bút danh Cây Xoan. Báo được chép tay, mỗi số ra 5-7 bản chuyền đọc trong nội bộ. Bôn sê vích cũng là báo của tù chính trị cộng sản, xuất bản trong năm 1932, in thạch.
Ngày 4-1-1932, Chi bộ Cộng sản nhà tù Hỏa Lò lại cho ra tờ báo Lao tù đỏ, sau đổi thành Lao tù tạp chí. Lao tù tạp chí có thể nói là phương tiện đấu tranh hữu hiệu của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù. Mỗi khi có những sự kiện lớn hay các cuộc đấu tranh, tù chính trị lại ra các bài báo có nội dung kỷ niệm, động viên tinh thần tù nhân, lên án chế độ nhà tù hà khắc.
Lao tù tạp chí còn đăng những bài vận động tù nhân vào Lao tù hội; tường thuật các cuộc đấu tranh phản đối việc ngược đãi tù thường; kêu gọi tù nhân toàn trại đoàn kết, đấu tranh đòi thực dân Pháp cải thiện đời sống; hỏi đáp về chủ nghĩa cộng sản; vận động, tuyên truyền lính người Việt, người Pháp, một số cai đội... Trong những năm 1940-1945, Lao tù tạp chí không ra thường xuyên nữa mà chỉ ra vào những ngày kỷ niệm, ngày Tết.
Ở nhà tù Hỏa Lò còn có tờ Đời tù. Trong các tài liệu địch lưu trữ, có bản dịch tờ Đời tù số 18, trang đầu ghi rõ: Đời tù không chỉ là cơ quan ngôn luận của Lao tù hội mà còn của hết thảy tù nhân. Báo nhằm vào các mục tiêu: Cơ quan tuyên truyền và sợi dây liên lạc hữu nghị giữa nam nữ tù nhân; cơ quan giáo dục, hướng dẫn cho các thành viên của mình các phương sách hoạt động, cốt nâng cao hiểu biết của anh chị em; nơi trao đổi ý kiến và chiến đấu chống bọn phản cách mạng. Đời tù còn cho biết sau nhiều khó khăn phải đình bản, nay do tình hình đã đổi khác, báo sẽ lại ra 2 kỳ/tháng, vào các ngày 7 và 24.
Năm 1933-1934, ở nhà tù Hỏa Lò liên tục diễn ra các đợt luân chuyển tù đi Sơn La, Côn Đảo và từ các nơi này về lại Hỏa Lò. Thấy cần phải tăng cường hoạt động báo chí, ngoài tờ Lao tù tạp chí vẫn được duy trì, Chi ủy Hỏa Lò ra thêm Tạp chí Vô sản để tuyên truyền trong tù, nâng cao trình độ cho những đảng viên mới vào. Tạp chí Vô sản coi mục đích nâng cao trình độ lý luận, lập trường của đảng viên là chính. Những cây bút chính viết cho tạp chí này là Trường Chinh, Nguyễn Văn Năng, Trần Đức Sắc, Đặng Việt Châu...
Kỳ công
Các tờ báo trong nhà tù Hỏa Lò được đóng thành tập nhỏ lưu hành nội bộ. Giấy để viết báo được bên ngoài cung cấp, như giấy thuốc lá, giấy bạch hoặc dùng các quyển kinh do cố đạo mang vào - tù nhân viết vào giữa các dòng chữ in, vào các chỗ giấy còn để trống... Họ viết bằng bút chì đen hay bằng nước cơm, nước cháo, sữa, nước cốt chanh... Khi nào cần đọc thì hơ lửa, hoặc bôi lên một loại hóa chất, chữ sẽ hiện ra.
Theo tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng, thư của Đ.T bí mật gửi ra ngoài báo cáo tình hình trong nhà tù Hỏa Lò có ghi: Gửi cho tôi những tờ giấy bạch để viết được bằng nước phèn. Hãy gửi loại tốt. Đừng gửi loại giấy thuốc lá ta không viết nước phèn được... Nếu có, hãy gửi cho tôi các tập sách của bọn truyền đạo... vì ở đây không còn tí giấy nào. Nếu không có thì gửi cho tôi giấy in của tòa án, hoặc giấy gói thuốc lào cũng được. Nếu gửi giấy bạch, chớ quên gửi thêm cho tôi một ngòi bút (hoặc bút lông) và một lọ mực đựng được nước...
Trong nhà tù Hỏa Lò, nhóm biên soạn tài liệu, làm báo phải làm việc trong điều kiện cực kỳ vất vả, hết sức bí mật để che mắt địch. Họ phải chui xuống gầm sàng để viết; ban ngày thì nhờ thứ ánh sáng lờ mờ lọt qua các cửa thông hơi ở trên cao, ban đêm nhờ chút ánh sáng của đèn điện hoặc đèn dầu.
Việc làm ra tài liệu đã khó, việc cất giữ chúng lại càng khó hơn, sao cho không lọt vào tay địch. Tù nhân phải tạo ra các kho bí mật để giữ gìn tài liệu. Họ đục tường, rút gạch lấy chỗ hổng làm kho cất tài liệu, sau đó lấp lại như cũ. Trong khi một số người đục tường thì các tù chính trị khác phải giả vờ vật lộn nhau, làm ồn ào để át tiếng động. Tài liệu còn được bỏ vào vỏ hộp sữa, bọc kín lại, thòng dây thả xuống thùng phân. Ở trại nữ, chị em cũng đục tường lấy chỗ giấu tài liệu, hoặc giấu vào trong khố...
Tuy tù nhân hết sức bí mật trong việc giữ gìn tài liệu nhưng có lúc vẫn bị địch phát hiện và tịch thu. Trong thông báo mật số 11.546/S ngày 26-10-1932, cảnh sát trưởng Bắc kỳ cho biết đã bắt được tài liệu tuyên truyền của cộng sản trong nhà tù Hỏa Lò. Thông báo ghi rõ: Trong một cuộc lục soát tại nhà lao Trung ương (tức nhà tù Hỏa Lò - Đ.K), các tài liệu khác về tuyên truyền cộng sản đã tìm thấy có cuốn sách mỏng viết tay bằng mực mang tên Đời tù...
Nhà cầm quyền lúc bấy giờ đã nhận định về tác dụng của công tác báo chí, tuyên truyền cách mạng trong nhà tù Hỏa Lò: Việc lấy được các tài liệu này một lần nữa xác nhận tính tích cực và nguy hiểm của tổ chức tuyên truyền cộng sản trong nhà lao Trung ương Hà Nội. Nó hoạt động trong tất cả các loại người bị giam giữ: tù dân sự, tù kinh tế. Những người này, sau khi lưu lại ở nhà lao Trung ương, đến lượt họ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản cho tù nhân các tỉnh nơi họ chuyển đến và trong các làng của họ khi họ được phóng thích...
Kỳ tới: Từ bút chiến đến vượt ngục
Bình luận (0)