Ngày 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp cho ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Quy định lập bộ chưa cụ thể
Trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết số lượng thành viên Chính phủ là do Thủ tướng trình QH xem xét, quyết định. Về tổ chức của Chính phủ, dự luật không quy định cụ thể số lượng và tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ mà chỉ quy định có tính nguyên tắc về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bao gồm: bộ, cơ quan ngang bộ. Số lượng và tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình QH xem xét, quyết định theo từng nhiệm kỳ.
Lo ngại việc dễ dàng “đẻ” thêm bộ, ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, cho rằng luật cần đề ra nguyên tắc cụ thể trong điều kiện, tiêu chí ra sao đối với việc thành lập một bộ hay cơ quan ngang bộ chứ quy định như trong dự luật rất chung chung. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục làm rõ và đưa ra tiêu chí cụ thể về các bộ đa ngành, đa lĩnh vực.
Băn khoăn trách nhiệm của Chính phủ
Một nội dung mới của dự luật là chế định Thủ tướng Chính phủ được bổ sung quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ QH phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; tạm thời giao quyền chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch UBND tỉnh, thành phố...
Thủ tướng cũng có thẩm quyền yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đình chỉ, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật... Mặt khác, Thủ tướng được trao quyền quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ hơn địa vị pháp lý của Thủ tướng; cơ chế bầu Thủ tướng; thẩm quyền của Thủ tướng; mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ với Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ. “Đặc biệt luật chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng đã được Hiến định” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý, đánh giá.
Cũng theo ông Phan Trung Lý, ban soạn thảo cần cân nhắc một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp quy định của Hiến pháp.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị luật cần làm rõ vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ Hiến pháp vì Việt Nam không có Hội đồng Bảo hiến hay Tòa án Hiến pháp. Mặt khác, thẩm quyền luôn đi liền với trách nhiệm. Dự thảo đã nói khá rõ về quyền nhưng khuyết phần trách nhiệm. Ngoài ra, ban soạn thảo cần làm rõ hơn mối quan hệ 2 chiều giữa Chính phủ với Chủ tịch nước, QH, VKSND Tối cao, TAND Tối cao… để bảo đảm tính độc lập giữa các cơ quan này.
Bình luận (0)