Hôm nay, chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ lụt. Dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ việc xả nước không đúng quy định của các thủy điện. Bộ trưởng Bộ Công Thương xử lý việc này thế nào?”. Chất vấn của đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP HCM) đã làm nóng phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội (QH) sáng 19-11.
Lũ đi trước, cảnh báo đến sau
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết theo quy hoạch chung, làm thủy điện còn có mục đích cung cấp nước mùa khô, cắt lũ mùa mưa nhưng thực tế cho thấy ở vùng hạ du, mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì lũ. “Dân nói nhiều rồi nhưng chưa có cơ quan nào xác định lũ có phải do thủy điện hay không” - ĐB Học nói.
Liên quan đến vấn đề ĐB Học đặt ra, nhiều cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam, nơi bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ vừa qua, đều khẳng định dù ít dù nhiều, thủy điện không thể vô can.
Ngoài ra, trước đây, khi còn vận hành xả lũ theo quy trình đơn hồ, thời gian các thủy điện thông báo xả lũ về cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, thành là trước 6 giờ. Hai năm trở lại đây, khi vận hành theo quy trình liên hồ thì thời gian chỉ còn 2 giờ. Điều này khiến nhiều địa phương ở cấp xã khi nhận được thông báo xả lũ từ tỉnh thì nước lũ đã về. Vì vậy, theo ông Tuấn, cần phải xem xét lại thời gian thông báo xả lũ là ít nhất trước 5 giờ để người dân kịp đối phó.
Dẫn chứng điều này, ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng - cho biết vừa qua, khi huyện nhận được thông báo thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ thì hàng ngàn hộ dân đã bị nước nhấn chìm.
Đầu voi, đuôi chuột: Dân lãnh đủ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, khi quy hoạch, hầu hết các dự án thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đều tính đến các lợi ích như cắt lũ, giảm lũ hoặc làm chậm lũ vào mùa mưa, bổ sung dòng chảy vào mùa nắng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, nhiều thủy điện không tuân thủ quy hoạch dung tích phòng lũ ban đầu.
Phải thay đổi quy trình xả lũ
Đó là đề nghị của nhiều ĐB tại hội thảo biến đổi khí hậu khu vực miền Trung - Tây Nguyên do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 19-11.
Các ĐB cho rằng quy trình xả lũ do Chính phủ phê duyệt không sai nhưng hệ thống cảnh báo còn lấp lửng, không kịp thời và có lỗ hổng.
Theo TS Lê Hùng, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, lũ đầu mùa có mực nước thấp nên hồ chứa thủy điện vẫn tích nước đến khi đầy. Khi có mưa lớn thì xả lũ với lưu lượng lớn làm ảnh hưởng đến hạ du. Ông Hùng đề nghị nên có quy định cứng về việc tích nước để tránh hồ chứa thủy điện xả nước khi lũ lên cao.
Ngoài ra, dù xả lũ đúng quy trình nhưng do các hồ thủy điện xả cùng một lúc làm người dân trở tay không kịp. Vì vậy, các ĐB đề nghị trường hợp có nhiều hồ chứa trên cùng một lưu vực thì nên giao cho địa phương xây dựng quy trình xả lũ liên hồ để xử lý kịp khi có lũ lớn.
B.Vân
|
Tính đến chiều 19-11, tại các tỉnh miền Trung, mưa lũ đã làm 41 người chết, 5 người mất tích, 93 người bị thương. Có 410 nhà sập, 1.271 nhà tốc mái và khoảng 6.500 ha lúa, hoa màu bị úng ngập. |
Bình luận (0)