Ngày 31-3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách quý I và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý II/2017. Tại cuộc họp, các vấn đề về trật tự, quản lý đô thị được đề cập nhiều nhất.
Không ai được đứng ngoài!
Báo cáo kết quả ra quân chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, vỉa hè trong thời gian qua, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết đến nay trên địa bàn đã có 134 tuyến đường thông thoáng, 34 tuyến đường tiếp tục được dọn dẹp. Qua rà soát, quận 1 có 580 hộ bán hàng rong, trong đó 260 hộ nghèo. Có 130/260 hộ nghèo chấp nhận chuyển đổi ngành nghề. Quận 1 đã tạo điều kiện, giới thiệu cho những người thuộc các hộ này chuyển sang nghề giúp việc nhà, làm bảo vệ, nhân viên vệ sinh...
Riêng với 130 hộ nghèo không đăng ký chuyển đổi ngành nghề, quận 1 đã có kế hoạch tổ chức, sắp xếp cho 100 hộ được tổ chức buôn bán tập trung ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp; 30 hộ còn lại không có khả năng chuyển đổi ngành nghề, cũng không thể buôn bán vì đa phần là người già, quận cũng có hướng tạo việc làm. Cụ thể, quận 1 đã vận động được 1.200 hộ kinh doanh trong chợ Bến Thành chấp thuận chuyển từ túi ni lông sang túi giấy và 30 hộ nghèo này sẽ gia công túi giấy cung cấp cho các hộ kinh doanh trên. Với giá thành 600 đồng đến 1.000 đồng/túi giấy với số lượng khoảng 110.000 túi/tháng, dự kiến, các hộ cũng có thể có thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Sau khi ra quân lập lại trật tự đô thị, vỉa hè ở đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đã thuộc về người đi bộẢnh: HOÀNG TRIỀU
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá thời gian qua, việc sắp xếp lại trật tự vỉa hè được triển khai ở một số quận, huyện, đặc biệt quận 1, đã được người dân TP đồng tình và đánh giá cao. “Kết quả bước đầu khá tốt. Dĩ nhiên trong quá trình làm cũng còn chuyện này chuyện khác, phải lắng nghe ý kiến góp ý để tiếp thu nhưng tinh thần chung là kiên quyết thực hiện. Trong tuần tới, tôi sẽ chủ trì cuộc họp với các quận, huyện để nghe lại việc thực hiện tổ chức lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè” - ông Phong nói.
Ông Phong đặc biệt nhấn mạnh: Tất cả phải vào cuộc để chấn chỉnh lại trật tự lòng đường, vỉa hè, từ bí thư, chủ tịch cho đến trưởng công an quận, huyện. Không thể cứ để mỗi anh phó chủ tịch làm chuyện vỉa hè. Các tổ chức đoàn thể cũng phải vào cuộc. Người đứng đầu chính quyền TP nhấn mạnh lần nữa: Công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè phải làm thường xuyên, quyết liệt chứ không đánh trống bỏ dùi, không làm theo phong trào, không làm theo chiến dịch. Sau khi lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè các địa phương phải tổ chức lại kinh tế vỉa hè. Sắp tới, TP sẽ tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để tổ chức lại kinh tế vỉa hè cho tốt hơn. “Nếu chỉ phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo thì kết quả không bền vững” - ông Phong chia sẻ.
Tại cuộc họp, một lần nữa người đứng đầu chính quyền TP hoan nghênh quận 1; qua đó ông cũng chấn chỉnh quận 5. Ông Phong dẫn chứng: “Tôi đi thấy đường Ký Hòa nhỏ xíu mà xe đậu hết lên vỉa hè, học sinh, người dân phải đi xuống lòng đường. Tôi gọi điện cho chủ tịch UBND quận 5 xem có nắm tình hình không. Tại sao TP đã có chỉ đạo rồi mà tình hình vẫn còn như vậy”. Ông Phong đề nghị quận 5 phải chấn chỉnh vấn đề này, chủ tịch UBND quận 5 phải chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa.
Nhiều phát ngôn chưa chuẩn
Đề cập đến một số thông tin cho rằng TP đang có ý định lập phố đi bộ trên quy mô 221 ha tại khu vực trung tâm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết ông chưa hề nghe kế hoạch này. Báo chí cần phân biệt đó là chỉ đạo của UBND TP hay chỉ là đề xuất của một đơn vị nào đó. “Hiện nay chỉ có đường Bùi Viện được đồng ý lập phố đi bộ. Còn việc thành lập chợ phiên cuối tuần tại Công viên Bến Bạch Đằng cũng mới chỉ là đề xuất chứ Thường trực UBND TP chưa thông qua” - ông Phong nói.
Tiếp lời, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng thông tin biến 221 ha trung tâm thành phố đi bộ, về mặt pháp lý thì trong đề án quy hoạch khu trung tâm TP của một công ty Nhật Bản có chia ra các phân khu, trong đó có một số tuyến đường đi bộ như Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi, Trần Cao Vân... TP đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu vấn đề này. Sở cũng có kế hoạch lấy ý kiến chuyên gia, nhân dân... “Mọi chuyện chỉ ở mức đang nghiên cứu mà các báo đã đưa tin nhanh quá, sâu quá, tạo cả một diễn đàn trên mặt báo. Điều đó không cần thiết, chúng ta chưa có chủ trương, quyết định nào cả” - ông Hoan khẳng định.
Đề cập đến vấn đề gần đây về chuyện sáp nhập quận, huyện xin lên quận, chánh Văn phòng UBND TP cho biết 20 năm trước TP đã chia tách một số quận do yêu cầu phát triển và đã được trung ương chấp thuận. Đến nay, cũng do yêu cầu phát triển ở mức độ cao hơn, thực tiễn lại đặt ra yêu cầu có thể sáp nhập quận hoặc thí điểm mô hình TP trong TP. Mong muốn của TP là có những cơ chế để đáp ứng yêu cầu của một đô thị hiện đại. Cái áo chật đòi hỏi phải tổ chức lại để đáp ứng được yêu cầu. Tách nhập quận là việc phải làm trong điều kiện thực tế đặt ra, tuy nhiên, làm phải đúng trình tự pháp luật. Chuyện này TP đang nghiên cứu, khảo sát để có đề xuất cụ thể.
“Về mặt thẩm quyền, cho dù có muốn chia tách hay sáp nhập thì TP phải nghiên cứu, đánh giá tác động, xây dựng đề án, xin ý kiến HĐND TP và Thành ủy rồi mới báo cáo xin ý kiến trung ương. Không phải muốn làm là làm ngay, mà phải qua các quy trình chặt chẽ” - ông Hoan nói.
Theo báo cáo của UBND TP HCM, kinh tế 3 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP quý I đạt 7,46%, đầu tư toàn xã hội tăng 7,8%, lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao đến gần 62%, vốn đầu tư nước ngoài vào TP gần 57% và huy động vốn qua ngân hàng tăng 11,1%, dư nợ cho vay tăng gần 20%.
Sáp nhập sở là… bước lùi
Trưa 31-3, trao đổi với báo chí về đề án sáp nhập một số sở, ngành đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến các tỉnh, thành, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan tiếp tục khẳng định: Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đã nói rất rõ, tất cả vấn đề liên quan đến TP HCM cần phải được nghiên cứu sâu và chỉ đạo cụ thể để tạo điều kiện cho TP phát triển. “Tuy nhiên, thực sự đáng buồn là cơ chế, chính sách cho TP HCM hiện cũng như 62 tỉnh, thành khác, không khác gì” - ông Hoan nói và cho biết Bộ Nội vụ đã mời TP HCM ra làm việc về vấn đề này và TP cũng đã nói rõ quan điểm của mình.
Theo ông Hoan, nếu gom Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính như kế hoạch của Bộ Nội vụ thì thực sự TP sẽ “rất đuối” vì đa số các tỉnh không như TP, thu ngân sách không nhiều, đầu tư cũng không bao nhiêu. Ngoài ra, nếu gom các Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc ở các tỉnh thì được chứ TP thì không thể. Vì lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc ngày xưa thuộc Sở Xây dựng. Sau đó, TP có cơ chế kiến trúc sư trưởng, chỉ một người có quyền nắm về quy hoạch chứ quy hoạch mà quản lý tập thể là chết. Rồi cuối cùng chuyển thành Sở Quy hoạch - Kiến trúc như hiện nay. Giờ lại tính về Sở Xây dựng như ngày xưa. “TP mà gom 3 sở này vô làm một thì rất vất vả, có thể nói là một bước đi lùi và sẽ rất khó trong quản lý quy hoạch của TP” - ông Hoan nhìn nhận.
Ông Hoan cũng cho biết sắp tới TP sẽ hình thành 2 tổ công tác chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong 2 lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Hai tổ công tác này sẽ là đầu mối tham mưu cho UBND TP các vấn đề đầu tư và xây dựng. “Chứ như hiện nay một doanh nghiệp mà làm được giấy chứng nhận đầu tư phải qua 5 vòng, 7 lượt, 4-5 năm thì không bao giờ nhanh được. Tập trung về một đầu mối thôi, nhà đầu tư không phải chạy lòng vòng nữa” - ông Hoan khẳng định.
Bình luận (0)