“Hiện việc xử lý chống thấm qua đập Sông Tranh 2 gần hoàn tất, chỉ còn thấm 2,01 lít/giây, thấp hơn mức cho phép theo tiêu chuẩn thiết kế. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả tính toán khi ở mực nước chết của đập là 140 m, còn lúc mực nước tăng lên trên 160 m thì áp lực thủy tĩnh sẽ lớn. Lúc đó, mức độ thấm chưa thể kiểm nghiệm được. Vì vậy, phải qua kiểm nghiệm thực tế mới đánh giá chính xác được mức độ thấm của đập” - ông Nguyễn Xuân Diệu khẳng định tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam vào sáng 27-9.
Sớm ban hành quy trình vận hành hồ chứa
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Ban PCLB tỉnh Quảng Nam, cho rằng thủy điện Sông Tranh 2 cần lắp đặt thêm trạm cảnh báo lũ cho vùng hạ du vì chỉ có 2 trạm như hiện nay là quá ít. “Hơn nữa, mặc dù trong mùa mưa, thủy điện Sông Tranh 2 không tích nước nhưng mực nước chết cũng rất lớn với hơn 400 triệu m3. Nếu mực nước lên 160 m thì lượng nước cũng đạt gần 500 triệu m3. Vì vậy, cần có sự phối hợp thông tin về quy trình liên hồ cho phù hợp với điều kiện thực tế” - ông Tuấn kiến nghị.
Minh bạch thông tin
Ông Nguyễn Xuân Diệu cho rằng thủy điện Sông Tranh 2 không tích nước thì không có xả lũ nhưng lượng mưa về khi đạt đến độ cao 161 m, nước sẽ chảy tràn tự do. Như vậy, phải đặt ra giả định là gặp sự cố và nước vùng hạ du tăng cao thì Ban Quan lý thủy điện Sông Tranh 2 cũng như Ban PCLB tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị phương án gì chưa? “Chỉ nói suông mà không hành động trong tình huống này thì người dân không thể an tâm được, là có tội với dân! Vì vậy, phải rà soát lại việc có thể di dời 70.000 hộ dân vùng hạ du khi sự cố xảy ra” - ông Diệu nhấn mạnh.
Về vấn đề xử lý sự cố thấm đập thủy điện Sông Tranh 2, ông Diệu cho rằng ban quản lý phải thường xuyên kiểm tra mực nước lên tới đâu và độ thấm thế nào để có hướng xử lý kịp thời. “Việc thành lập ban PCLB của thủy điện Sông Tranh 2 phải có lãnh đạo chính quyền huyện Bắc Trà My tham gia” - ông Diệu yêu cầu.
Ông Văn Phú Chính, quyền trưởng Ban PCLB miền Trung, đề nghị thủy điện Sông Tranh 2 thông tin kịp thời việc quan trắc trong thân đập, cũng như việc thấm, chuyển vị cho cơ quan PCLB biết để có hướng xử lý. “Hiện nay, chưa có sự thống nhất trong phương án PCLB cho vùng hạ du. Vì vậy, phải đưa ra được kịch bản chung để có cách đối phó trong các tình huống khác nhau nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân” - ông Chính kiến nghị.
Ông Nguyễn Xuân Diệu cho rằng Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2 cần minh bạch thông tin về hiện trạng hồ chứa, mực nước cho cơ quan thông tin đại chúng. Mỗi ngày nên có một bản tin trên truyền hình, phát thanh địa phương để người dân biết. “Nếu cứ giấu mà xảy ra sự cố thật thì dân không biết đường mà đỡ. Lúc đó, ban quản lý phải chịu trách nhiệm” - ông Diệu khẳng định.
Lại động đất Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 27-9, lại xảy ra một trận động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Tiếng nổ kèm theo rung chấn mạnh ở mặt đất đã khiến người dân các xã lân cận và trung tâm huyện Bắc Trà My hoang mang, lo sợ. Theo ông Vũ Đức Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2, trận động đất này đo được là hơn 3,8 độ Richter, nhỏ hơn trận động đất ngày 3 và 23-9 vừa qua. |
Xem xét lại báo cáo đánh giá tác động môi trường Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2012 tổ chức cùng ngày ở Hà Nội, trả lời câu hỏi của báo chí về Báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2 rất hời hợt về nội dung động đất kích thích, Bộ trưởng -Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Sau khi có thông tin về sự cố thủy điện sông Tranh 2, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp làm việc nhiều lần với các bộ, ngành liên quan đồng thời tiếp nhận thông tin từ các nguồn, xem xét vấn đề một cách khoa học và cẩn trọng, bảo đảm tuyệt đối an toàn về tài sản, tính mạng của người dân.
Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng họp và báo cáo Chính phủ về những đợt tác động của động đất vừa qua, vẫn bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của công trình. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn yêu cầu tiếp tục kiểm tra, theo dõi thêm, chưa cho tích nước, cử một nhóm chuyên gia thường trực ở thủy điện để theo dõi, đánh giá. “Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, Chính phủ sẽ giao cho các cơ quan chức năng xem xét vì các cơ quan tư vấn hoạt động theo quy định pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc họ làm. Những việc liên quan tới tài sản, tính mạng của người dân thì họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” - ông Đam nhấn mạnh.
T.Dũng |
Bình luận (0)