Tuy nhiên, bài điều tra có tựa đề Xayaburi dam work begins on the sly (Công trình đập Xayaburi khởi công lén) đăng trên báo Bangkok Post (Thái Lan) hôm 17-4 đã khiến những ai quan tâm đến đề xuất này phải giật mình. Theo đó, chủ đầu tư hiện đã san ủi, mở đường vào khu vực dự án (phía Bắc Lào).
Xayaburi là dự án thủy điện đầu tiên dự kiến xây dựng trên dòng chính Mê Kông, theo thông lệ phải được đưa ra tham vấn trước. Như vậy, dù các tiến trình tham vấn chưa kết thúc nhưng nay dự án này đã rục rịch. Điều đó có nghĩa rằng hàng loạt khuyến nghị trước đó của MRC và nhiều tổ chức quốc gia, quốc tế đã không được chủ đầu tư lưu tâm.
Qua tham vấn, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đề nghị hoãn dự án trong 10 năm để nghiên cứu thêm; phía Campuchia bày tỏ sự quan ngại về những tác động từ Xayaburi; còn phía Lào, tất nhiên, kiên quyết bảo vệ dự án. Từ đó có thể thấy trước 3 “kịch bản” cho Xayaburi: MRC đồng ý thông qua; MRC không đồng ý nhưng phía Lào vẫn làm (MRC không có quyền chế tài); MRC không đồng ý và phía Lào ngưng dự án.
Thực tế mà nói, “kịch bản” thứ ba rất khó xảy ra. Và khi Xayaburi được xây dựng chẳng khác nào các vùng hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL của Việt Nam, nhận lãnh những tác động nghiêm trọng về môi sinh. Đáng lo hơn là điều này sẽ tạo nên tiền lệ cực kỳ nguy hiểm, vì ngoài Xayaburi còn có 11 dự án đập thủy điện khác trên dòng chính Mê Kông đang ngấp nghé.
Để không còn những bản sao của Xayaburi, rất khó, nếu không thay đổi cách làm như bao lâu nay.
Điều cần thiết là người dân phải biết thông tin. Thái Lan dù bị tác động không nhiều nhưng thời gian qua, người dân vùng Bắc và Đông Bắc nước này đã nhiều lần tập hợp để phản đối việc xây dựng đập, đồng thời đề nghị chính phủ xem xét lại việc mua điện từ Xayaburi. Phía Campuchia cũng yêu cầu đưa đại diện của những cộng đồng dân cư trong vùng bị ảnh hưởng tham gia quá trình tham vấn dự án.
Đáng nói, 263 tổ chức phi chính phủ từ 51 quốc gia đã gửi tới thủ tướng Lào và Thái Lan thư kêu gọi hủy bỏ kế hoạch đập thủy điện Xayaburi. Ngược lại, 20 triệu dân ĐBSCL của chúng ta (được đánh giá là sẽ chịu “tổn thất nghiêm trọng” nếu Xayaburi được xây dựng) thì hầu như chẳng biết mấy về vụ này; giới chức ngành nông nghiệp, thủy sản cũng tiếp cận thông tin ít và trễ. Không nắm kỹ vấn đề thì làm sao có thể phản biện, phản đối hiệu quả!
Nay có thể xem Xayaburi như sự đã rồi, song với những dự án thủy điện tương lai như Pak Lay, Pak Chom, Ban Koum, Lat Sua, Stung Treng, Sambor…, chúng ta đừng để lặp lại bài học Xayaburi mà phải hành động ngay từ bây giờ! Thay vì lên tiếng đơn lẻ, các cơ quan hữu trách hãy cung cấp thông tin nhiều hơn cho người dân, đồng thời tập hợp ý kiến của họ. Sức mạnh tổng hợp đó sẽ là tiếng nói đanh thép trên các diễn đàn quốc tế để chúng ta bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình!
Bình luận (0)