Sáng 16-5, tại hội thảo "Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế" do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA, cho biết ông ủng hộ việc tăng thuế nội địa, ít nhất là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên, chiếm trên 50% cơ cấu giá xăng dầu, để bảo đảm thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Thuế này giảm thì phải có thuế kia bù
VINPA đã nhiều lần đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu nhằm bảo đảm nguồn thu NSNN, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế. Nhất là trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu sắp tới sẽ tiếp tục giảm xuống 0% thì phải tăng các loại thuế khác từ nội địa để bù vào.
"Động tĩnh tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít đã có nhưng chưa có lộ trình cụ thể đến năm nào. Về việc này, người dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách. Phần thu nhà nước rất quan trọng" - ông Ruệ nhấn mạnh.
Phân tích thêm, ông Ruệ cho rằng đây là vấn đề cân đối NSNN. Chỉ cần tăng thêm 1.000 đồng/lít tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, NSNN đã có thêm hàng chục ngàn tỉ đồng. Nếu tăng lên giới hạn là 8.000 đồng/lít, số tiền thu về cho NSNN rất lớn. Từ số tiền này, có thể giải quyết những vấn đề môi trường ở một số địa phương do xăng dầu gây ra.
"Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi" - lãnh đạo VINPA khẳng định.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết về các loại thuế - hiện Chính phủ đang rà soát. Trong đó, đối với các sắc thuế nội địa như thuế bảo vệ môi trường sẽ rà soát theo hướng phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu.
Đáng lưu ý, đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh: "Nới khung thuế lên 8.000 đồng/lít nhưng khi đấy là mức tối đa, khi điều chỉnh còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế để làm sao cho phù hợp. Khung là khung cho phép, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ sẽ có tính toán cẩn thận để bảo đảm lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp (DN)".
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể tăng lên 8.000 đồng/lít Ảnh: TẤN THẠNH
Phải giảm thuế để sản xuất nhiều hơn
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, lại cho rằng cần có cái nhìn tổng quát hơn khi tăng thuế bảo vệ môi trường và không đồng ý với việc tăng thu ở ngay đầu vào sản phẩm.
"Với những sản phẩm đầu vào thì phải có tư tưởng bao đồng hơn, không thể chỉ tính vòng 1 chặn luôn mà phải tính làm sao thu bền vững. Nghĩa là, đầu vào thì "ăn" ít thôi để vòng 2 sản xuất phát triển. Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững. Như vậy, tới vòng 3 ta mới thu bền vững" - ông Thỏa nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng nhấn mạnh về ngân sách phải tính chi tiết để bảo đảm nguồn thu của nền kinh tế nhưng không nên chỉ tính riêng xăng dầu và tách riêng nền kinh tế.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng nếu muốn bù đắp nguồn thu khi thuế nhập khẩu về 0% thì trước mắt phải tính đến con đường tăng thuế nội địa. Nhưng về lâu dài và căn cơ thì chính sách cần hướng tới việc giảm thuế để giảm chi phí, gánh nặng cho DN. Khi tạo ra lợi nhuận nhiều hơn, DN sẽ đóng góp vào ngân sách lớn hơn.
Ngay từ khi thuế nhập khẩu xăng dầu ở một số thị trường giảm mạnh theo lộ trình cam kết, đã có nhiều DN đầu mối trong nước tìm ngay đến các thị trường này nhập nguồn hàng giá tốt. Trong đó, thậm chí không loại trừ trường hợp các DN sẵn sàng chịu giá cao hơn một chút nhưng hưởng thuế suất thấp (ví dụ thuế xăng từ Hàn Quốc chỉ 10%), vẫn có lợi hơn mua hàng ở thị trường giá rẻ nhưng thuế cực cao (như thị trường ASEAN thuế tới 20%).
"Chênh lệch thuế 10% mang lại lợi nhuận cho DN cực lớn. Nên chăng, chúng ta lấy mức thuế nhập khẩu thấp nhất tại thời điểm tính toán giá để áp dụng bởi trước sau gì thì DN cũng tìm cách "chui" vào thị trường thuế thấp. Như thế, sẽ không phải trả thêm cho người nước ngoài hưởng lợi" - ông Tuyển phân tích.
Đại diện người dân nên quản lý quỹ BOG
Góp ý về hiệu quả của quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng không nên bỏ quỹ này bởi trước những cú sốc về giá mà không có quỹ BOG thì giá sẽ méo mó, phản ánh cả vào nền kinh tế. Tuy nhiên, cần thay đổi cách hình thành quỹ. "DN cũng phải cùng người tiêu dùng đóng góp một chút, khi có lãi thì tham gia, lỗ thì thôi" - ông Thỏa bày tỏ.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, một trong những bất cập của Nghị định 83 là việc quỹ BOG là tiền dân đóng góp nhưng lại không có đại diện nào của người dân tham gia quản lý. Do đó, cần tính đến việc nên chăng có đại diện của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cùng tham gia quản lý quỹ.
Bình luận (0)