Miền Tây - “thủ phủ” của rượu đế và cũng là nơi xảy ra những vụ ngộ độc rượu kinh hoàng nhất. Nguyên do không gì khác hơn chính là những loại rượu độc được nấu tốc hành - thậm chí là không cần nấu - để cung cấp cho người dùng.
Chỉ bán không dám uống
“Rượu đế kiểu truyền thống phải qua nhiều công đoạn: nấu chín gạo thành cơm, làm men, ủ men với cơm rồi đem chưng cất. Cứ 1 kg gạo chưng cất theo kiểu truyền thống thì ra được hơn 1 lít rượu. Với giá gạo như hiện nay thì việc làm ra 1 lít rượu để bán 20.000 đồng thì không biết lấy gì ăn. Tôi phải bỏ nghề” - bà P.T.L, chuyên nấu rượu đế ở xã Long Điền (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), khẳng định.
Theo bà L., muốn kiếm lời cao thì phải nấu rượu “đểu”. Bà bỏ nghề cũng vì thấy nghề làm rượu đế dỏm quá thất đức. Hiện nay, nhiều người nấu rượu không còn dùng men truyền thống mà dùng men có xuất xứ từ Trung Quốc.
Loại men này chỉ cần trộn với gạo sống ủ 5-7 ngày là đem cất lấy rượu, chẳng phải phụ thuộc vào thời tiết. Làm theo cách này không tốn nhiều công sức lại cho ra được nhiều rượu trong thời gian ngắn, chỉ có vậy người nấu mới có lời và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cần mua số lượng lớn. Tuy nhiên, theo những người chuyên nấu rượu thì loại rượu này chứa nhiều độc tố.
Thử hình dung, vào mùa cưới hỏi, có khi một lò nấu rượu phải nhận cùng lúc nhiều đơn đặt hàng với số lượng cả ngàn lít thì không cách nào cung ứng nổi. Một lò rượu truyền thống ủ men đến 3 ngày, mỗi mẻ mất 3 giờ mới lấy được khoảng 8 lít rượu. Một đám cưới cần vài trăm lít rượu thì phải nấu cả tháng mới đủ. Muốn đủ rượu bán cho các đám cưới, nhiều chủ lò phải nấu bằng men Trung Quốc theo cách trên. Ngay cả bà L. cũng thừa nhận trước đây từng nấu rượu theo kiểu “mì ăn liền” như vậy để cung cấp cho các đám tiệc. Với loại rượu này, bà cấm con cháu trong nhà lấy uống.
Rượu không cần... nấu
Tiếp xúc những người nấu rượu lâu năm ở huyện Đông Hải, họ cho rằng nếu thiếu lương tâm thì có đủ cách nấu rượu “đểu” để kiếm lợi. Bây giờ rất nhiều loại men “tốc hành” bán tràn lan dùng ủ rượu rất dễ.
“Có người còn chế rượu bằng cách pha cồn với nước lã, rồi cho loại men màu trắng chỉ nhỏ bằng chiếc cúc áo để tạo hương cho rượu. Loại men này cũng xuất xứ từ Trung Quốc, có thời gian được bán công khai. Bằng cách này, một ngày người ta muốn cho ra bao nhiêu lít rượu cũng được” - ông Trần Út E., người nấu rượu lâu năm tại đây, nói.
Tận mắt chứng kiến kiểu sản xuất rượu... không cần nấu của một phụ nữ tên Tú tại xã Long Điền mà tôi phát hoảng. Bà Tú có thời gian sinh sống ở Campuchia, sau đó về quê khoe học được bí quyết làm rượu không cần bỏ nhiều vốn và công sức vẫn thu được lãi to. Cơ sở nấu rượu của bà Tú là một gian nhà nhỏ không có lò và củi lửa mà chỉ có vài thùng phuy chứa nước cùng một ngăn tủ chất đầy cồn công nghiệp và nhiều bịch chứa những viên thuốc màu trắng bằng chiếc cúc áo mà bà Tú gọi là men.
Cách làm rượu của bà Tú rất đơn giản. Từ thùng phuy chứa nước, bà cho cồn công nghiệp và những viên men màu trắng vào tùy theo lượng nước. Khi các viên men hòa tan hết là có thể chiết rượu ra bán được. Thấy vậy, tôi hỏi rượu này uống vào thì chết?. Bà Tú trả lời vô tư: “Rượu làm theo cách nào không quan trọng, chủ yếu là uống say thôi. Nhiều người uống rượu của tôi còn khen ngon chứ có thấy ai chết đâu”. Tôi hỏi bà Tú đã từng uống rượu mình “nấu” chưa? Bà trả lời: Ngu sao uống!?”.
Ám ảnh những cái chết
Ở miền Tây đã xảy ra không ít những cái chết do uống rượu độc. Xôn xao nhất là 10 trường hợp tử vong do uống rượu tại huyện Châu Thành, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vào tháng 6-2009. Ông N.T.L (phường 3, TP Sa Đéc) làm cơm mời cháu là anh L.V.Đ ghé nhà chơi. Sẵn nhà bán rượu, ông L. mang ra đãi hết 1 lít.
Sau khi nhậu ở nhà ông L. về, anh Đ. lơ mơ đến sáng thì tay chân co quắp, mắt trợn ngược, tắt thở. Lúc này, ông L. cũng có triệu chứng tương tự nên gia đình đưa đi cấp cứu nhưng một ngày sau thì chết.
Cái chết của ông L. và anh Đ. vẫn không làm các bợm nhậu khiếp sợ. Trong đám tang ông L., rượu trong nhà được mang ra đãi hết và mua thêm 5 lít của hàng xóm. Uống xong, thêm 2 người cháu “đi theo” ông L., một người hàng xóm ngộ độc được chuyển lên TP HCM cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Trước đó một tuần, anh N.H.V và L.V.T (ngụ TP Sa Đéc) cũng bỏ mạng khi mua 2 lít rượu của gia đình ông L. về uống.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp lúc đó, từ ngày 9-6 đến ngày 23-6-2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 trường hợp ngộ độc rượu khiến 10 người chết.
Tại Long An, cuộc đấu rượu một mất một còn vào năm 2012 ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức khiến người dân nơi đây khó quên. Sáng 23-10-2012, ông P.V.R rủ ông P.V.T với 3 người khác nhậu ở nhà một người bạn cùng ấp. Trong đó, chủ nhà uống bia, 4 người còn lại uống 1 lít rượu do ông R. mua mang tới. Uống đến 9 giờ thì hết rượu, ông R. rủ ông T. nhậu tiếp nhưng ông này từ chối vì mới hết bệnh. Ông R. “khích tướng” hoài nên ông T. liền nói: “Thích thì chơi”.
Mua 2 lít rượu về, ông R. chia đều 2 ca nhựa rồi thách ông T. đọ tửu lượng. Cả hai vừa uống hết ca rượu thì không còn biết gì cả. Đến đầu giờ chiều, mọi người phát hiện ông R. chết, nằm lên chân bạn nhậu. Ông T. hôn mê, được đưa vào bệnh viện cấp cứu nên thoát chết.
Kỳ tới: Truy tìm men “đểu”
Bình luận (0)