Thực sự thì Sở Du lịch Hà Nội chỉ báo cáo lượng khách du lịch đến Hà Nội từ ngày 2 đến 4-9 đạt con số 207.236, doanh thu từ du lịch đạt 526 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, như đại diện ngành du lịch Hà Nội nhận định, sức hút của phố đi bộ quanh hồ Gươm “là một sự kiện quan trọng hấp dẫn du khách đến với thủ đô”.
Trong bối cảnh ngành du lịch ở các tỉnh Trung Trung Bộ đang sống dở chết dở nhiều tháng qua do du khách hủy tour - hệ lụy từ sự cố cá biển chết hàng loạt; các tỉnh Nam Trung Bộ chật vật với những phát sinh từ việc du khách Trung Quốc tăng đột biến... thì việc Hà Nội đón số lượng du khách tăng cao là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số lượng du khách tăng là phải tính đến sự cộng hưởng của nhiều yếu tố chứ không hẳn là kết quả của việc tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Gươm, dù đó là điểm nhấn của Hà Nội trong dịp lễ này.
Thực ra, tổ chức những tuyến phố đi bộ không phải là chuyện lạ ở Hà Nội. Từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 2014, quận Hoàn Kiếm cũng khai trương 6 tuyến đi bộ ở ngay trung tâm Hà Nội. Mà không chỉ Hà Nội, nhiều TP khác cũng đã tổ chức các tuyến phố đi bộ và đều đem lại những dấu ấn nhất định đối với du khách. Trên thế giới, các nước tiên tiến cũng đang hướng tới sở hữu những “thành phố đi bộ”, dù đó là mục tiêu rất khó ngay cả với những nước giàu như Mỹ.
Nhưng sau những cuốn hút vì sự mới lạ, vì những sự kiện hoạt động nhất thời nhân lễ hội và cả sự tò mò thì phố đi bộ cũng phải trở lại với nhịp độ của cuộc sống thường nhật. Hà Nội hay các TP khác đều không thể duy trì mãi việc sử dụng một lực lượng hùng hậu như thủ đô đã huy động để giải quyết các vấn đề liên quan đến phố đi bộ quanh hồ Gươm những ngày qua. Cho nên, để duy trì được phố đi bộ (chứ không nhất thiết phải “lập tức có tin vui”) thì phải tính đến sự hợp lý về quy mô, sức hấp dẫn và cả sự đồng thuận của người dân mà trước hết là từ chính dân cư của những phố đi bộ. Không hợp lý thì có khi gây lãng phí, ít được đồng thuận thì khó quản lý.
Những việc như để hàng rong bày bán tràn lan, móc túi, cướp giật, kể cả chuyện phóng xe máy ào ào dù đã có biển cấm đều là những chuyện đã xảy ra trên phố đi bộ ở các đô thị của nước ta. Mới đây nhất, dư luận đã phải phản ứng trước việc đoàn xe công vụ công khai đi giữa phố đi bộ của đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Sự việc sau đó đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhận lỗi trước nhân dân. Những bài học như thế hẳn là không nhỏ cho thủ đô Hà Nội - nơi luôn phải tổ chức nhiều sự kiện quan trọng không chỉ ở tầm quốc gia mà cả quốc tế.
Bình luận (0)