Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận phương án của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài hơn 700 km trước năm 2020 và hoàn thành toàn tuyến sau năm 2025.
Một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam đã đưa vào sử dụng là đoạn TP HCM - Long Thành - Dầu Giây Ảnh: TẤN THẠNH
Theo Bộ GTVT, với vốn nhà nước hỗ trợ 55.000 tỉ đồng, trong giai đoạn 1, bộ này sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để xây dựng mới các đoạn của tuyến. Nếu từ năm 2018 đến 2020 đầu tư và giải phóng mặt bằng 713 km, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 130.000 tỉ đồng, sau đó sẽ đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến. Các đoạn sẽ đầu tư trong giai đoạn này gồm: Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang.
Để kêu gọi đầu tư, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT), cho biết cơ chế, chính sách huy động vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án cần thay đổi so quy định hiện hành. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp quy định chủ sở hữu hoặc các cổ đông đều phải góp, thanh toán đủ trong vòng 90 ngày hoặc ngắn hơn kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu huy động theo quy định này, một lượng vốn rất lớn đã huy động trong tài khoản của doanh nghiệp tham gia dự án nhưng chưa được sử dụng dẫn tới lãng phí nguồn lực và không phù hợp thông lệ quốc tế.
Ông Huy cho biết Bộ GTVT đã kiến nghị QH chấp thuận quy định trong hợp đồng dự án, tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án theo quy định tại Nghị định 15/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP. Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức lãi suất vốn vay tính toán trong phương án tài chính được xác định bằng mức lãi suất cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank để tính toán phương án tài chính ban đầu. Việc tiếp tục huy động nguồn vốn dài hạn thị trường trong nước rất khó khả thi. Đối với vốn tín dụng nước ngoài, để có thể huy động được, Chính phủ cần chấp thuận bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ và bảo lãnh bên thứ 3 đối với trách nhiệm của Chính phủ.
Hôm 2-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp để xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Đa số thành viên cho rằng dự án triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích. Ủy ban Thường vụ QH thống nhất giao Ủy ban Kinh tế phối hợp các cơ quan của Chính phủ thẩm tra dự án, đưa ra phương án tối ưu trình QH tại kỳ họp đang diễn ra.
Bình luận (0)