Thời gian qua, đường dây nóng của một số lãnh đạo bộ, ngành được thiết lập và cho thấy tính hiệu quả không chối cãi được của nó. Nhiều bức xúc cụ thể của dân được lãnh đạo chỉ đạo cấp dưới giải quyết nhanh, gọn.
Cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ Y tế đã lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản hồi của người dân gặp khó khăn khi sử dụng dịch vụ công tại các bệnh viện trong cả nước. Nhiều “trục trặc muôn thuở” từ cỗ máy dịch vụ y tế công ở tuyến cơ sở được chấn chỉnh nhờ có sự “nhắc nhở, chỉ đạo” trực tiếp của bà bộ trưởng.
Đường dây nóng cũng có thể xem là một kênh giám sát của người dân nhắm vào hệ thống hành chính, dịch vụ công để buộc phải khá lên, giảm bớt tình trạng quan liêu, tắc trách.
Nhưng nghĩ ngược lại, cách làm đó xem ra là “con dao hai lưỡi” khi mà sức người có hạn. Một vị lãnh đạo cộng với đội ngũ quản lý chuyên môn phải lo biết bao nhiêu chuyện thuộc lĩnh vực của mình, không thể suốt ngày ngồi xử lý từng vụ cụ thể như ông A ở xóm nọ có con không được chích ngừa, ông B ngụ phường kia phàn nàn về việc con hẻm trước nhà ngập nước.
Cũng qua đường dây nóng vừa lập, tân Bí thư Thành ủy TP HCM cũng chỉ đạo nhanh không ít sự vụ tồn đọng nhiều năm, có vụ chỉ sau một tin nhắn của ông bí thư là được giải quyết. Nhiều người tỏ ra hào hứng khi những phản hồi mang lại hiệu quả tức thì, cụ thể, thiết thực và thái độ lãnh đạo “biết nghe dân kêu”.
Dù vậy, người dân cũng đòi hỏi cao hơn và biết đặt ngược trở lại vấn đề: Liệu xã hội có thể vận hành trơn tru, thuận lòng dân chúng với điều kiện chỉ cần một vị lãnh đạo cương trực, quyết đoán? Liệu vị lãnh đạo ấy cùng cộng sự của mình có đủ sức để cáng đáng, chữa cháy cho hàng loạt bất cập mà bộ máy quản lý cấp dưới tạo ra?
Câu chuyện xe dù bến cóc trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP HCM) đã được dân chúng sống và làm việc ở đây phản ánh nhiều lần với cơ quan chức năng, báo chí cũng đã đề cập nhưng vì lý do khó gọi thành tên, những người làm có chức trách ở cơ sở đã không muốn làm thẳng tay. Nay có lệnh trên, họ buộc phải làm. Như vậy, động thái “làm”, “thay đổi thực trạng” ở con đường kia là vì dân hay vì lãnh đạo mới?
Đường dây nóng liệu có “nội trị” được bộ máy chính quyền cơ sở đang làm việc với tinh thần quan liêu, làm vì sợ cấp trên gõ đầu hơn làm vì dân, vì văn minh xã hội? Chắc chắn, dù tài cán tới cỡ nào, một lãnh đạo không thể dành hết thời gian và chuyên môn cho việc mở máy điện hết sở nọ đến ngành kia, phường nọ đến quận kia đề nghị xử lý những vụ việc dân sự cụ thể mà lẽ ra bộ máy hành chính, chính quyền cơ sở chỉ cần có trách nhiệm một chút là xong.
Vậy vấn đề đường dây nóng chỉ là một giải pháp tình thế; hoặc nghĩ tích cực hơn, là kênh tiếp nhận đóng góp ý kiến cho sự phát triển từ người dân nhưng không thể hiểu đơn giản đó là sự “gần dân”. Lãnh đạo chỉ thực sự gần dân khi có được một bộ máy quản trị xã hội khoa học, chuyên nghiệp và có trách nhiệm với dân, với sự phát triển của đất nước.
Bình luận (0)