Những câu hỏi trên cũng chính là thực trạng khó giải quyết của giao thông đô thị hiện nay ở nước ta.
Hà Nội đang thực hiện các giải pháp nhằm giải “bài toán” giao thông đô thị khi mà tình hình ách tắc giao thông không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân mà còn là trở lực với sự phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp đang được TP Hà Nội kỳ vọng tạo chuyển biến lớn trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông cũng như hướng tới phát triển bền vững giao thông ở đô thị lớn bậc nhất nước là đưa vào vận hành xe buýt nhanh.
Việc lần đầu tiên đưa vào sử dụng loại hình phương tiện giao thông công cộng khá phổ biến trên thế giới đã gây ra những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người ủng hộ và cũng có không ít người e ngại, hoài nghi bởi ý thức tham gia giao thông kém, điều kiện đường sá chật chội nên rất khó “hy sinh” đường cho xe buýt nhanh… Cho dù còn có không ít ý kiến khác nhau, kiểu “gà có trước hay quả trứng có trước” song có thể thấy đây là phương tiện giao thông công cộng khó có thể thiếu của đô thị hiện đại.
Xe buýt nhanh là một giải pháp mới nhất trong nhiều giải pháp mà Hà Nội đã triển khai trong thời gian dài vừa qua. Những giải pháp căn cơ lâu dài là xây dựng những tuyến đường vành đai, xuyên tâm hay di dời các trụ sở cơ quan hành chính, nhà máy, trường đại học… từ trung tâm thành phố ra các vùng ngoại vi. Bên cạnh đó, còn có không ít giải pháp tình thế nhằm cấp bách xử lý như xây dựng cầu cạn tạm.
Tuy nhiên, tất cả những giải pháp được xem là căn cơ lâu dài cho tới “cấp cứu” tức thời vẫn chưa giúp làm thuyên giảm đáng kể tình trạng kẹt xe, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Vấn đề này có nguy cơ còn trầm trọng hơn trong tương lai khi tốc độ đô thị hóa, di dân về đô thị tiếp tục vượt xa tốc độ xây dựng, cải thiện hạ tầng giao thông. Nói cách khác, quy hoạch và thực hiện quy hoạch là những nguyên nhân chính yếu nhất. Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong buổi làm việc cuối năm với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quy hoạch trên địa bàn thủ đô. Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội đã không ngần ngại nói thẳng: “Đến giờ, chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”. Quy hoạch thiếu tầm nhìn, như Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng nếu những năm 1990 khi làm đường lấy rộng ra hai bên 200-300 m thì nay TP không lo thiếu hạ tầng để phát triển các loại hình phương tiện giao thông công cộng.
Quy hoạch đã thiếu tầm nhìn mà khi có quy hoạch rồi còn tiếp tục bị “băm nát” thì đúng là rất khó để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Do vậy, không còn cách nào khác là phải xem lại tổng thể quy hoạch với tầm nhìn lâu dài hơn, đồng thời nhất quyết không được để những lợi ích ngắn hạn và không loại trừ lợi ích nhóm “băm nát” quy hoạch.
Bình luận (0)