Trước ông Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cũng đã có những vụ án oan sai làm chấn động dư luận cả nước cùng số tiền bồi thường lên tới hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Chấn (ngụ tỉnh Bắc Giang) trong vụ “án oan 10 năm” đã được bồi thường 7,2 tỉ đồng hay ông Lương Ngọc Phi (ngụ tỉnh Thái Bình) trong vụ “giám đốc bị án oan” được bồi thường tới 23 tỉ đồng. Những người đã làm oan sai đều đã bị quy trách nhiệm và xử lý, gồm cả xử lý hình sự như các điều tra viên và kiểm sát viên trong vụ “án oan 10 năm”…
Tuy nhiên, tới vụ án oan Huỳnh Văn Nén mới thấy đặt ra trách nhiệm hoàn trả bồi thường đối với người gây oan sai cho dù đã có những văn bản pháp luật quy định rõ điều này. Khi phải thấy những khoản tiền lớn lấy từ ngân sách, từ tiền thuế của dân để bồi thường cho những việc làm sai của công chức, dư luận đã không khỏi bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng chính những công chức gây oan sai phải có trách nhiệm bồi thường chứ không thể lấy tiền ngân sách bồi thường như vậy.
Thực tế, pháp luật quy định rõ điều này trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và được hướng dẫn cụ thể bởi Nghị định số 16 của Chính phủ và Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Quy định đã rõ nhưng xác định cụ thể trách nhiệm và mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây hại lại rất khó khăn.
Càng khó hơn khi chưa thấy trường hợp nào phải hoàn trả số tiền phải bồi thường lớn như các vụ án oan đối với ông Chấn, ông Nén hay ông Phi.
Ngay cả trong trường hợp xác định được mức độ lỗi cũng như mức độ phải bồi hoàn thì tổng số tiền mà người thực thi công vụ sai phải bồi hoàn cũng có thể không thấm tháp gì so với số tiền mà ngân sách phải ứng ra để đền. Bởi số tiền mà người thực thi công vụ gây thiệt hại phải hoàn trả tối đa cũng chỉ có 36 tháng lương.
Song, dù khó hay không thì cũng cần phải minh định làm sai, làm trái pháp luật gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong đó có việc hoàn trả tiền bồi thường. Cứ làm sai phải đền chắc chắn những người thực thi công vụ tham gia vào quá trình tố tụng phải nâng cao trách nhiệm, đồng thời có tác dụng răn đe hơn. Điều này sẽ giúp giảm thiểu những trường hợp oan sai.
Phải mất rất nhiều thời gian từ ngày có quyết định bồi thường thì ông Huỳnh Văn Nén mới nhận được tiền bồi thường. Việc xác định trách nhiệm và mức độ hoàn trả tiền bồi thường của người làm oan cho ông Nén có thể phức tạp và kéo dài hơn thế. Rất mong vụ việc này trở thành một kiểu “án lệ” để từ nay về sau cứ ai gây oan sai là phải “đền”.
Bình luận (0)