Tại cuộc họp báo quý III/2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào chiều 29-9, nhiều vấn đề liên quan đến các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), gian lận trong thu phí cũng như việc giám sát thu phí đã được đặt ra.
Người dân giám sát, kiểm tra
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Quốc hội (QH) vừa thông qua chương trình giám sát các dự án BOT. Chương trình này gắn với HĐND các tỉnh, thành phố sẽ tránh sai sót trong thời gian tới; từ khâu thiết kế, dự toán, giám sát đều có cơ quan nhà nước tham gia. “Dự án BOT cần có điều chỉnh. Từ nay về sau, việc đầu tư dự án BOT phải theo hướng để cho người dân có sự lựa chọn, BOT không phải là độc đạo” - ông Trường nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ trực tiếp kiểm tra việc thu phí tại nhiều dự án BOT trên Quốc lộ (QL) 1, QL5, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Qua đó, phát hiện một số tồn tại như: chủ đầu tư chưa thực hiện triệt để công nghệ thu phí một dừng và còn chậm triển khai công nghệ thu phí không dừng; quyết toán số thu trong ngày chưa kịp thời, dẫn đến một số sai sót giữa số thu thực tế so với hệ thống dữ liệu giám sát thu phí.
Ông Trường cho biết Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư phải chấm dứt ngay tình trạng thu phí thủ công và tiếp tục theo dõi đối với các trạm thu phí này để làm cơ sở tính toán lại thời gian hoàn vốn. Từ nay đến hết năm 2017, tất cả các dự án thu phí theo hình thức BOT sẽ được bộ này công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay tại các trạm thu phí về thời gian, mức thu để người dân giám sát, kiểm tra.
Nếu có gian lận trong thu phí, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư hoàn lại số tiền sai lệch gấp 3 lần. Nặng hơn sẽ dừng toàn bộ kíp thu phí và đưa lực lượng thu phí của nhà nước vào thay thế. “Cuối cùng, sẽ dừng thu phí vĩnh viễn, triển khai giải pháp khác để rõ ràng, minh bạch hơn” - ông Trường khẳng định.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại lùi tiến độ
Đối với vấn đề dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ nhiều lần, đội vốn hàng trăm triệu USD, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng có nhiều nguyên nhân. Dự án được khởi công vào tháng 10-2009 với tổng mức đầu tư 586 triệu USD. Nguồn vốn này được phía Trung Quốc cho vay ưu đãi theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC. Tuy nhiên, từ năm 2009 trở lại đây, thị trường có biến động giá về vật tư, thiết bị... làm đội giá. Năm 2013, phía Trung Quốc đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư, hai bên đã tính toán lại, thống nhất bổ sung hơn 250 triệu USD.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dựa hoàn toàn trên công nghệ Trung Quốc. Từ năm 2013, với sự giám sát chặt chẽ của Bộ GTVT, dự án đã đạt được nhiều tiến độ tích cực.
Trả lời về việc trước đó, Bộ GTVT khẳng định hoàn thành dự án và đưa vào vận hành thử nghiệm cuối năm 2016 nhưng mới đây lại cho biết phải tiếp tục giãn tiến độ sang năm 2017, ông Trường khẳng định bộ này đã làm việc với tổng thầu Trung Quốc, cam kết đến cuối năm 2016 sẽ hoàn tất toàn bộ các hạng mục xây lắp.
Lý do phải giãn tiến độ sang năm 2017, theo lý giải của ông Nguyễn Hồng Trường là do đang trong quá trình thẩm định gói thầu về thiết bị cho dự án, gồm: Thiết bị đoàn tàu, đường ray, nhà điều hành. Gói thầu thiết bị đang đàm phán trị giá khoảng 200 triệu USD. Nhằm bảo đảm có được công nghệ mới nhất, đáp ứng được yêu cầu tự động hóa và giá thành, Bộ GTVT đã mời đơn vị của Bộ Tài chính tham gia thẩm định giá.
Giảm mức thu ở các trạm BOT
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết trong tháng 10-2016, tất cả 45 trạm BOT đang thu phí trên toàn quốc sẽ phải giảm mức thu từ 10%-15% theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện các nhà đầu tư cơ bản đồng tình với mức giảm trên. Trong 45 trạm thu phí BOT hiện nay, đã có 26 trạm giảm phí; số trạm còn lại, Bộ GTVT sẽ làm việc với nhà đầu tư để giảm ngay trong tháng 10-2016.
Bình luận (0)