Hôm 8-8, TAND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã xét xử 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức liên quan sai phạm về đất đai ở xã Đồng Tâm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Chiếm hàng ngàn m2 đất
Theo cáo trạng, năm 1996, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định cấp đất giãn dân. Căn cứ kế hoạch sử dụng đất được Đảng ủy, HĐND xã Đồng Tâm duyệt thực hiện, UBND xã này lập tờ trình xin thu hồi hơn 5.400 m2 để giao cho 49 hộ dân làm nhà ở.
Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Hà Tây, UBND xã Đồng Tâm (lúc đó do Nguyễn Văn Bột làm Chủ tịch UBND xã và Nguyễn Xuân Trường làm cán bộ địa chính) đã giao đất cho 39/49 hộ với tổng diện tích gần 4.100 m2. Khoảng 1.300 m2 đất còn lại không giao cho 10 hộ dân như tờ trình đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt.
Năm 2002, ông Bột chuyển công tác, ông Nguyễn Văn Sơn được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm. Lúc này, ông Trường báo cáo về diện tích chưa giao. Do chuẩn bị đo đạc lại đất thổ cư, ông Sơn và Nguyễn Tiến Triển (Bí thư Đảng ủy xã) cùng ông Trường thống nhất chuyển hơn 1.300 m2 đất cho 10 cán bộ chủ chốt của xã, thu phí 100.000 đồng/m2.
Các bị cáo tại tòa
Trong các cán bộ được giao đất có các ông: Triển, Sơn, Nguyễn Văn Đức (Phó Chủ tịch UBND xã) và Lê Đình Tuyến (Phó Bí thư Đảng ủy xã) cùng ông Lê Đình Thuần (Chủ tịch UBND xã sau này)… Sau đó, một số cán bộ lấy tên của người thân trong gia đình để làm chủ đất. Năm 2008, để hợp thức hóa việc chia số đất trên, ông Sơn được đề nghị làm biên bản hội nghị Đảng ủy, HĐND, UBND xã thống nhất việc chia đất cho 10 cán bộ. Thời gian biên bản ghi lùi lại 6 năm. Sau lần cấp đất giãn dân nêu trên, một số cán bộ Đồng Tâm tiếp tục tổ chức đấu thầu đất trái phép, giao đất không đúng đối tượng, sau đó tìm cách hợp thức hóa. Cụ thể, cuối năm 2003 lập tờ trình xin cấp đất giãn dân ở 4 khu vực: Ao Cáu, Bãi Ao, Rặng Chúc, Đầu Bút.
Trong quá trình đấu thầu, xét cấp đất giãn dân, đổi đất... có 63 hộ không đủ điều kiện vẫn được nhận đất với tổng diện tích hơn 6.000 m2. Cuối năm 2013, để hợp thức hóa, chính quyền xã làm hồ sơ trình huyện để ra các quyết định giao đất. Tổng số tiền thu được của 63 hộ sau đấu thầu là hơn 2 tỉ đồng, xã nộp vào Kho bạc nhà nước, xây dựng trường, đường và hoạt động thường xuyên của UBND xã.
Phản cung tại tòa
Từ năm 2011 đến 2013, dù biết hồ sơ của 12 hộ nói trên không đủ điều kiện về nguồn gốc đất, hợp đồng chuyển nhượng cũng như thời gian sử dụng, chưa đầy đủ ý kiến khu dân cư nhưng Chủ tịch UBND xã Lê Đình Thuần cùng cán bộ huyện Mỹ Đức ký xác nhận hồ sơ đề nghị huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho diện tích đất có nguồn gốc từ việc mua bán trái thẩm quyền, giao sai đối tượng, lấn chiếm... Ngoài ra, các cán bộ huyện còn hợp thức hóa cho nhiều hồ sơ xin cấp sổ đỏ khác tại Đồng Tâm.
Cụ thể, ông Đinh Văn Dũng ký xác nhận 8 hồ sơ với tổng diện tích hơn 1.200 m2, bị cáo buộc gây thiệt hại gần 660 triệu đồng. Ông Trần Trung Tấn ký xác nhận 9 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Ông Bạch Văn Đông ký xác nhận 4 hồ sơ, gây thiệt hại gần 600 triệu đồng. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Phạm Hữu Sách ký tờ trình để UBND huyện ra quyết định cấp sổ đỏ cho 12 hộ dân, gây thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội nhưng phản cung khi trả lời thẩm vấn tại tòa.
Trong phần xét hỏi, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Lê Đình Thuần khai không nhớ mình có thuộc diện được cấp đất giãn dân không. Ngoài ra, năm 2013, bị cáo cũng đã làm đơn trao trả lại đất do vợ đứng tên nhưng "bị cáo không biết diện tích đất bản thân được cấp nằm chính xác chỗ nào". Về sai phạm liên quan đến việc giao đất cho 12 hộ dân, bị cáo Thuần cho rằng sau này mới biết chưa đúng quy trình. Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra, những người được ông Thuần ký xác nhận xét duyệt cấp đất là bị cáo quen biết rất rõ.
Hôm nay, ngày 9-8, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
14 bị cáo hầu tòa
Các bị cáo bị đưa ra xét xử có 10 nguyên cán bộ xã Đồng Tâm gồm: Nguyễn Tiến Triển (Bí thư Đảng ủy); Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần, Nguyễn Văn Bột (Chủ tịch UBND); Nguyễn Xuân Trường (cán bộ địa chính); Bùi Văn Dũng (Trưởng Ban Tài chính); Bùi Văn Hồng (Xã đội trưởng); Nguyễn Văn Minh (Trưởng Công an); Nguyễn Văn Khang (cán bộ kế toán ngân sách); Nguyễn Văn Đức (Chủ tịch HĐND). Bốn nguyên cán bộ huyện Mỹ Đức gồm: Phạm Hữu Sách (Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường), Đinh Văn Dũng, Bạch Văn Đông, Trần Trung Tấn (giám đốc, phó giám đốc và cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai).
Bình luận (0)