Sáng 20-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với ĐHQG TP HCM. Tại buổi làm việc, khó khăn đầu tiên được lãnh đạo ĐHQG TP HCM nhắc đến là công tác giải phóng mặt bằng.
Được quy hoạch trên diện tích 643,7 ha tại quận Thủ Đức, TP HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhưng đến năm 2016, ĐHQG TP HCM mới được bàn giao 470,5 ha. Ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết số diện tích còn lại mà đơn vị chưa được nhận là do việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, chính sách giá đền bù các khu vực thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, giá đất ngày càng tăng, khiếu kiện ngày càng nhiều do có chênh lệch về giá đất.
Ông Đạt kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng ĐHQG TP HCM, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP để đơn vị tiến hành các thủ tục tiếp theo. Đồng thời, bố trí kịp thời nguồn vốn ngân sách nhà nước cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo kế hoạch trung hạn; chỉ đạo TP HCM và tỉnh Bình Dương đẩy mạnh việc bồi thường giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng xây dựng dự án, tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn với mức cho vay cao hơn… Theo lãnh đạo ĐHQG TP HCM, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần bố trí đến hết năm 2018 là gần 2.000 tỉ đồng để bồi thường và giải phóng toàn bộ mặt bằng.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh này có 522 ha trong khu quy hoạch ĐHQG TP HCM, phải di dời hơn 700 hộ dân và 18 tổ chức/doanh nghiệp. Hiện nay, 77% diện tích đã được bồi thường. Giá đền bù cho các hộ thời gian qua có chênh lệch cùng với sự điều chỉnh nên có trường hợp đã nhận tiền nhưng không giao mặt bằng vì đòi hỗ trợ. Về việc hỗ trợ nguồn vốn cho ĐHQG TP HCM, theo ông Liêm, là hết sức khó khăn bởi Bình Dương cũng bị giảm tỉ lệ điều tiết của ngân sách.
Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng việc bồi thường giải phóng mặt bằng cần làm gấp, làm nhanh. Vì thế, phải xác định số tiền bao nhiêu thì Bộ Tài chính sẽ cho ứng ngay rồi thu hồi sau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc bồi thường giải phóng mặt bằng cần làm sớm, dứt khoát, quyết liệt. Nguồn vốn có thể ưu tiên ứng trước, quỹ đầu tư phát triển của TP HCM và Bình Dương hỗ trợ, nếu thiếu thì Chính phủ hỗ trợ.
Thủ tướng cho rằng ĐHQG TP HCM cần phát huy mạnh mẽ vị thế đầu tàu vì hiện chưa có ảnh hưởng lan tỏa rõ nét trong hệ thống. Thủ tướng nhấn mạnh: “Theo tôi, chúng ta cần sứ mệnh thứ ba nữa. Đó là ĐHQG TP HCM là nơi khởi nguồn những ước mơ khởi nghiệp, kiến tạo nên những thế hệ doanh nhân, nhà kỹ nghệ, nhà văn hóa, nhà khoa học, những con người xuất sắc ở những lĩnh vực khác nhau, góp phần làm rạng danh nền giáo dục ĐH Việt Nam trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Cùng ngày, phát biểu trước các nhà giáo và sinh viên tại lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do ĐHQG TP HCM tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngày 20-11 luôn là sự kiện đặc biệt, giàu cảm xúc của toàn ngành giáo dục và của mọi người dân Việt Nam. Nhiều nơi có những thầy cô giáo không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho học sinh trong điều kiện khó khăn mà còn kiêm cả vai trò là người cha, người mẹ chăm sóc, động viên từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt nhà nước trao Huân chương Lao động hạng nhất cho NGND-GS-TS Phan Thị Tươi và NGƯT- PGS-TS Dương Ái Phương của ĐHQG TP HCM.
Thủ tướng khẳng định nhà nước sẽ vẫn đầu tư tài chính cho ĐHQG TP HCM nhưng cũng cần xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực. Cái gì xã hội đầu tư được phải để cho xã hội đầu tư.
Bình luận (0)