Trên tấm bia đặt tại di tích “Nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá nhà lao Tân Hiệp” (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa-Đồng Nai) có khắc đầy đủ tên tuổi, quê quán của 22 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc vượt ngục tập thể ngày 2-12-1956. Tuy nhiên, hài cốt của họ cùng hàng trăm tù nhân khác bị tra tấn hoặc bắn chết, sau đó vùi xác quanh khu vực nhà lao, đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Mồ tập thể
Nhà lao Tân Hiệp có đặc thù là nằm sát khu dân cư. Vì vậy, nhờ người dân, sợi dây thông tin liên lạc giữa tù nhân chính trị với tổ chức cách mạng luôn bền chặt. Ông Nguyễn Trùng Phương - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều tra hậu quả chiến tranh tỉnh - cho biết: Trước khi đất nhà lao Tân Hiệp bị bán, ở đây có một miếu thờ được cho là do người dân quanh nhà lao lập để thờ cúng 22 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc vượt ngục.
Một cựu tù chính trị nhận định có thể miếu thờ đó cũng là nơi người dân đánh dấu địa điểm bọn cai tù đã chôn xác 22 chiến sĩ. Điều đáng buồn là sau khi UBND tỉnh Đồng Nai bán đất nhà lao cho VietinBank - chi nhánh Đồng Nai, miếu thờ cũng mất tích.
Những tù nhân bị chết tại nhà lao Tân Hiệp do bị tra tấn
Ông Nguyễn Trọng Tâm, nguyên bí thư Đảng ủy nhà lao Tân Hiệp, một trong những người lãnh đạo cuộc vượt ngục ngày 2-12-1956, nhớ lại: Lúc nổi dậy, tù binh không một tấc sắt trong tay vẫn xông lên phá khám và cướp súng của địch.
Ngoài những chiến sĩ bị bắn chết, những người còn lại bị khảo tra dã man rồi lần lượt qua đời. “Phía sau nhà lao có những hố chôn tập thể!” - ông Tâm khẳng định. Trao đổi với chúng tôi, các cựu tù chính trị cho biết do đã trải qua hàng chục năm chiến tranh nên nay không thể định vị chính xác những hố này. Tuy vậy, họ vẫn có thể xác định được những hố chôn đó nằm ở phía sau nhà lao Tân Hiệp, dọc theo đường ray xe lửa và dọc con suối bên hông nhà lao.
500 tù nhân bị giết
Trong quá trình đi tìm dấu tích hài cốt của những người tù chính trị tại nhà lao Tân Hiệp, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thông, nguyên bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, cho xem những tấm ảnh chụp tại nhà lao này. Đáng chú ý, trong đó có hai tấm chụp các bia mộ, trên bia ghi thời gian mất là năm 1974.
Theo ông Thông, đây là mộ phần của những người tù chính trị bị địch giết và chôn trong nhà lao. Bia mộ này có thể do người dân quanh vùng lập. Tuy nhiên, kể từ sau khi đất nhà lao được bán cho VietinBank - chi nhánh Đồng Nai, chẳng rõ những bia mộ đó đã bị vùi lấp hay di dời về đâu.
Theo Ban Điều tra hậu quả chiến tranh tỉnh Đồng Nai, trong khoảng thời gian từ 1954-1975, tại nhà lao Tân Hiệp có 500 tù nhân bị giết chết hoặc đưa đi thủ tiêu. Điển hình nhất là ngày 17-10-1973, cảnh sát dã chiến ập vào nhà lao bắt 92 tù nhân chính trị đưa đi đâu không rõ, về sau mất tích hẳn, có thể đã bị thủ tiêu.
Bia mộ của những người tù bị vùi xác trong khu vực nhà lao Tân Hiệp. Nguồn: TƯ LIỆU CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN THÔNG
Tiếp đó, đêm 3-6-1974, từ một căn cứ cách nhà lao Tân Hiệp 2 km, bọn Mỹ - ngụy đã bắn pháo cối vào khu vực giam giữ tù nhân rồi vu cho quân giải phóng. Hậu quả, hàng chục người yêu nước bị tàn sát. Nhiều cựu tù khẳng định nhiều thi thể đã bị bọn cai ngục vùi quanh khu vực nhà lao Tân Hiệp.
Đặc biệt, trong xấp ảnh tư liệu của ông Nguyễn Văn Thông có tấm chụp cảnh nhiều người chết. Dưới tấm ảnh này có dòng chú thích: “Đêm 3-6-1974, một quả pháo rơi ngay tại phòng giam chị em phụ nữ, làm chết 18 người, địch chôn xác tại một nghĩa địa phía sau nhà lao, nay còn trơ vài bia mộ”.
Cần tổ chức tìm kiếm bài bản, quy mô
Dù các cựu tù chính trị khẳng định dưới nền đất nhà lao có hàng chục, hàng trăm hài cốt chiến sĩ cách mạng nhưng từ sau giải phóng đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa tổ chức một cuộc khai quật nào thật sự quy mô, bài bản để tìm kiếm và quy tập.
Ông Đặng Văn Tiếp, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đồng Nai, người được cho là đã trực tiếp ký bán đất nhà lao Tân Hiệp cho VietinBank - chi nhánh Đồng Nai, cho rằng ông không biết dưới nền đất nhà lao có hài cốt những người yêu nước.
Còn ông Nguyễn Trùng Phương, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (cùng nhiệm kỳ với ông Tiếp), nhớ mơ hồ về một đôi lần khai quật vài chỗ trong khu nhà lao để tìm hài cốt nhưng tìm được rất ít (?). Riêng ông Nguyễn Văn Thông khẳng định: “Bạn thân của tôi là Nguyễn Văn Rô bị địch bắn chết ngay ở trại E của nhà lao. Khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa (1973 - 1976), biết được xung quanh nhà lao có hài cốt đồng đội, tôi đã đề nghị lực lượng công an canh gác cẩn thận và chuẩn bị kế hoạch gìn giữ nhà lao Tân Hiệp cũng như tìm kiếm hài cốt chiến sĩ. Tuy nhiên, ý nguyện chưa thành thì tôi đến tuổi phải nghỉ hưu”.
Số hài cốt đã tìm thấy chưa nhiều Theo một số cựu tù chính trị, đã có trường hợp thân nhân của tử tù tự tìm đến nhà lao Tân Hiệp, nhờ những người hiểu biết tìm hài cốt nhưng tìm thấy khá ít so với số tù nhân đã chết ở đây. Chiến tranh loạn lạc, nhà lao Tân Hiệp lại là nơi trung chuyển, tù nhân đến đây từ tứ xứ, nhiều người sau đó bị chuyển ra nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc hoặc các nơi giam giữ khác ở miền Nam nên trong số hàng trăm người đã chết tại đây, rất nhiều mộ vô danh hoặc mất hẳn xác... Mặt khác, sau ngày giải phóng, hồ sơ về các tù nhân bỏ mạng tại nhà lao Tân Hiệp đã bị phía địch làm thất lạc khiến việc tìm kiếm, quy tập gặp khó khăn. |
Kỳ tới: Thương vụ xương máu
Bình luận (0)