Chiều 7-9, sau loạt bài “Nhà lao Tân Hiệp: Chứng tích không ai được xóa!” khởi đăng trên Báo NLĐ từ ngày 3-8, lần đầu tiên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi làm việc với sự tham dự đầy đủ của đại diện các sở, ngành trong tỉnh, Ban Quản lý dự án của Ngân hàng Công Thương VN, Ban Liên lạc cựu tù chính trị và đại diện Báo NLĐ để bàn việc phục dựng di tích nhà lao, tổ chức tìm kiếm hài cốt các tù chính trị đã chiến đấu, hy sinh tại nhà lao.
Ông Nguyễn Văn Thông và bà Trần Thị Hòa, cựu tù chính trị, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: N. Phú
Lay động lòng người!
“Tôi đã mong đợi cuộc họp như thế này từ rất lâu rồi. Khi biết nhà lao Tân Hiệp bị bán, tôi đã rất uất ức tưởng không thể nào thay đổi tình hình”. Tất cả dường như nín lặng khi người đàn ông cao tuổi nhất phòng họp đứng lên phát biểu. Ông là Nguyễn Văn Thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, một trong những người tù chính trị đã tham gia cuộc phá nhà lao Tân Hiệp ngày 2-12-1956.
Diễn tiến vụ nhà lao Tân Hiệp Theo đo đạc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích đất nhà lao Tân Hiệp là 53.200 m2. |
Do nỗi đau chưa tìm ra hài cốt của đồng đội đã cùng mình tham gia cuộc phá khám năm xưa, ông Thông đã từng gửi văn bản đề nghị chính quyền tỉnh chấp thuận để ông tổ chức tìm kiếm hài cốt của 22 đồng đội. Nhưng đến nay, ông vẫn chưa nhận được phúc đáp.
Ông từng khẳng định sẽ sẵn sàng bán đất, bỏ tiền túi để tìm hài cốt đồng đội. Ông kể: Sau khi biết tin đất nhà lao Tân Hiệp bị bán, ông đã đi gặp cơ quan chức năng của tỉnh mong làm thay đổi tình hình thì một vị lãnh đạo chất vấn ông bằng một câu rất lạnh lùng: “Đất đó bán chứ để làm gì”.
Cùng sự phẫn uất như ông Thông, bà Trần Thị Hòa, hiện là Trưởng Ban Liên lạc cựu tù chính trị, kể lại: Một thành viên của Thường trực Tỉnh ủy đã trả lời: “Đất đó không bán thì cũng để trâu nằm!”.
Tuy nhiên, theo ông Thông và bà Hòa, mọi chuyện đã qua, hiện nay, mong muốn lớn nhất của họ là tìm được hài cốt đồng đội, mở rộng di tích hiện hữu để làm nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu.
Bà Hòa khẳng định nhà lao Tân Hiệp là một trong những nhà tù lớn nhất VN. Quan trọng nhất, nhiều hạng mục của nhà lao này có giá trị lịch sử vì còn giữ được nguyên trạng như tháp canh, lô cốt, tường rào. Bà Hòa nói nếu được mở rộng, nhà lao Tân Hiệp sẽ là một địa chỉ cuốn hút nhiều đoàn khách vào tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Khẩn trương trùng tu, tìm kiếm
Trước những lời tâm huyết lay động lòng người của hai cựu tù chính trị, bà Huỳnh Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Tôi là bậc hậu sinh. Tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ những người như chú Hai Thông, luôn trăn trở và đau đáu tìm hài cốt đồng đội. Vì vậy, khó khăn mấy chính quyền cũng phải làm tròn đạo lý”. Về việc trùng tu, tôn tạo di tích “nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá nhà lao Tân Hiệp”, bà Nga yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẩn trương phục dựng nhà lao Tân Hiệp theo hướng khai thác giá trị truyền thống lịch sử.
Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết mặc dù đã bán toàn bộ đất cho Ngân hàng Công Thương nhưng ý thức được giá trị lịch sử của nhà lao Tân Hiệp, đến nay, UBND tỉnh đã hai lần thu hồi đất của ngân hàng để xây dựng và mở rộng di tích. Hiện nay, UBND tỉnh đã có kế hoạch trùng tu mở rộng di tích “nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá nhà lao Tân Hiệp” rộng gấp 3 lần diện tích hiện hữu.
Về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bà Huỳnh Thị Nga nhất trí phải tìm kiếm quy tập. Tuy nhiên, bà tỏ ra phân vân vì hiện nay, vẫn chưa có một hồ sơ tài liệu nào xác định vị trí có hài cốt. Tại cuộc họp, rất nhiều giải pháp như tìm hài cốt theo trí nhớ của người tù chính trị còn sống, tìm hài cốt căn cứ vào lời kể của những người sống gần nhà lao năm xưa...
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Ông Trần Quang Toại, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, đề xuất trước mắt cho ngành văn hóa vào cuộc để liên hệ với các cựu tù xác định từ 1-3 địa điểm quanh khu vực nhà lao để khai quật. Có mặt tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Công Thương VN cho biết hiện nay đã hoàn thành khâu san lấp mặt bằng để xây dựng trường nghiệp vụ ngân hàng trên khuôn viên đất nhà lao Tân Hiệp mà mình mua được. Dự kiến, đầu tháng 10 sẽ khởi công xây dựng tòa nhà.
Vì vậy, ông Huỳnh Văn Tới cho rằng phải tổ chức tìm kiếm hài cốt trong tháng 9 để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của Ngân hàng Công Thương. Theo đó, căn cứ vào sự xác định của những nhân chứng sống, sẽ khai quật vài hố trên phần đất của Ngân hàng Công Thương.
Ông Tới khẳng định khi khai quật sẽ có sự tham gia và giám sát của nhiều bên như các sở, ngành liên quan, Ban Liên lạc cựu tù chính trị, báo chí... “Đây là vấn đề đạo lý nếu không làm thì rất ray rứt”- ông Tới cương quyết.
Bảo đảm an toàn cho khu di tích Tôi kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương nâng cấp, trùng tu nhà lao Tân Hiệp, chủ đầu tư cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho khu vực đất di tích, phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch giám sát quá trình thi công, nếu phát hiện hài cốt phải báo với cơ quan chức năng để xử lý. Đồng thời, trước khi triển khai phương án xây dựng, chủ đầu tư là Ngân hàng Công Thương VN cần hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, thăm dò hài cốt, di vật lịch sử. Bảo đảm khi triển khai dự án thì dưới nền đất xây dựng phải là “đất sạch”.
Phản ánh tâm hồn, lẽ sống của chúng ta Loạt bài “Nhà lao Tân Hiệp: Chứng tích không ai được xóa!” thể hiện nỗi lo và ý nguyện của đông đảo bạn đọc về giá trị chiều sâu của di tích mang tính lịch sử này. Là cầu nối giữa tâm tư, ý nguyện người dân với các nỗ lực của chính quyền các cấp, những người làm báo chúng tôi vui mừng nhận ra phản ánh của mình đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc và phần nào lay động, thức tỉnh một số cơ quan trước yêu cầu bức thiết bảo vệ, tôn tạo di tích này, biến nó thành di sản tinh thần vô giá.
|
Bình luận (0)