xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hào khí Việt qua tuyên ngôn độc lập

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN (Trường ĐH KHXH&NV TP HCM)

Từ “Nam quốc sơn hà” thời Lý đến “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2-9-1945 cách nhau 10 thế kỷ nhưng có cùng khẩu khí về tinh thần tự cường dân tộc, khẳng định và bảo vệ chủ quyền đất nước trong mọi hoàn cảnh

 

img

 

“Nam quốc sơn hà” là “bài thơ thần” có từ thế kỷ thứ X trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống. Dù là một bài thơ khuyết danh (có tài liệu nói của Lý Thường Kiệt) nhưng không vì thế mà giảm đi giá trị tư tưởng của tinh thần tự cường dân tộc, ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước của bài thơ. Vì thế mà đời sau coi đó là bản “tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của Đại Việt sau ngàn năm Bắc thuộc.

Bền bỉ, xuyên suốt ý chí tự cường, tự chủ

Đại Việt so với nhà Tống quá nhỏ bé nhưng khẩu khí của “Nam quốc sơn hà” như một tiếng sấm vang giữa trời đêm. Đó là tiếng nói của một dân tộc đã thức tỉnh. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở) là sự khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập, đã đoạn tuyệt với thân phận “thuộc quốc”. Vị thế ấy đã “định phận tại thiên thư” như luật của đất trời. Hai câu sau của bài thơ là lời cảnh báo những kẻ xâm lược như một sấm truyền: “Ngữ đẳng hành khan thủ bại hư”(Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời).

Đến thế kỷ XIII, sấm truyền ấy ứng với đế quốc Nguyên Mông. Chúng tưởng rằng với dư âm của “vó ngựa Thành Cát Tư Hãn” cùng với sự thâm độc, nham hiểm của Hán - Tống có thể dễ dàng xâm lăng Đại Việt. Nhưng khi “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vang lên những lời lẽ đầy nghĩa khí “... dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm...” thì tướng sĩ nhà Trần đoàn kết một lòng với tình “phụ tử chi binh” và đã khiến cho binh hùng tướng mạnh của bọn Nguyên Mông phải 3 lần thủ bại.

Sang thế kỷ XV, trước cuộc xâm lăng của nhà Minh, Đại Việt lại khẳng định nền độc lập và quyết tâm bảo vệ đất nước: “... Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xây nền văn hiến đã lâu... Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương...”. Đại Việt lại kết thành một khối “nhân dân bốn cõi một nhà..., tướng sĩ một lòng phụ tử” và đã đánh đuổi quân Minh làm cho chúng “ra đến biển mà vẫn còn hồn bay phách lạc..., về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.

Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 
Ảnh: 
TƯ LIỆU
Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ảnh: TƯ LIỆU

Rồi đến thế kỷ XVIII, 29 vạn quân nhà Thanh lại xâm lược Việt Nam. Trong chiếu thư, Hoàng đế Quang Trung đã khẳng định nền độc lập lâu dài: “Nước Việt ta từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần gây dựng ra đất nước cho đến ngày nay...” và quân dân Đại Việt đã đánh cho kẻ thù“... chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn”.

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp lại xâm lược Việt Nam và đặt ách đô hộ tàn bạo kéo dài hơn 80 năm. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã giành được chính quyền và ngày 2-9-1945. Bản “Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lại khẳng định chủ quyền độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Bản tuyên ngôn ấy là điểm son lịch sử đánh dấu kết thúc đêm dài thuộc địa nhưng cũng là mở đầu quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ mà nhân dân Việt Nam đã “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Cuộc kháng chiến ngoan cường chống ngoại xâm khiến cho Pháp phải thua, Mỹ phải cút và non sông thu về một mối.

Nhiều bài học phải luôn nhớ

Nhìn lại cả quá trình 10 thế kỷ, từ “Nam quốc sơn hà” đến “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2-9-1945, dòng chảy của lịch sử Việt Nam như có sự lặp lại những chu kỳ “bị xâm lược - đuổi quân thù - rồi lại bị xâm lược - lại đuổi quân thù”. Vì sao lại có những chu kỳ bi hùng ấy?

Câu trả lời nằm ngay trong lịch sử nước nhà: Phải chăng phong kiến hậu Lý đã tự làm suy yếu đất nước bằng nạn tham quan ô lại, vắt kiệt sức dân nên bên ngoài có cơ hội xâm lăng? Nhà Trần đại thắng Nguyên Mông nhờ kế sách “khoan sức dân làm kế rễ sâu, gốc vững” nhưng rồi hậu Trần đến nhà Hồ đã “để trong nước lòng dân oán hận” nên “quân cuồng Minh thừa cơ gây họa, bọn gian tà bán nước cầu vinh”. Quân Minh đã đại bại đến nỗi “về đến nước còn tim đập chân run” nhưng rồi vì Trịnh - Nguyễn phân tranh, để bọn gian thần Lê Chiêu Thống kết thành bè phái mở đường cho quân Thanh tiến vào. Phải chăng do nhà Nguyễn cầu ngoại viện để đánh nhà Tây Sơn nên đã tạo thời cho thực dân Pháp xâm lược?

Sự lặp lại những chu kỳ đó đã phản ánh một thực tế: Đất nước bị kẻ ngoại xâm vì bên trong suy yếu chứ không hẳn vì kẻ thù hùng mạnh.

Dường như các thế lực ngoại xâm đều không thuộc bài học lịch sử nên hết kẻ này thua đau đến kẻ khác thảm bại. Ngay cả với nước Mỹ, họ tự cho rằng mình có những “bộ óc điện tử” và có thừa vũ khí hiện đại để làm những gì mà phương Bắc ngàn năm không làm được, thực dân Pháp trăm năm không làm xong... và cuối cùng, nước Mỹ giàu mạnh nhất thế giới cũng không thoát khỏi lời sấm truyền từ ngàn năm trước: “Ngữ đẳng hành khan thủ bại hư”!

Những chu kỳ chiến tranh đã diễn ra trong lịch sử Việt Nam là bài học mà các thế lực ngoại xâm đừng bao giờ quên để không lặp lại những thất bại cay đắng. Nhưng đó cũng là bài học mà các thế hệ Việt Nam ngày nay phải nhớ để những chu kỳ ấy không lặp lại. Bí quyết để làm điều đó nằm trong tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng tùy thuộc vào khả năng vận dụng vào hoàn cảnh mới và tùy thuộc vào kết quả của công cuộc xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo không chỉ là tuyên bố đanh thép của một dân tộc ngoan cường mà còn là lý lẽ sắc bén bảo vệ tính pháp lý quốc tế của một nền độc lập non trẻ.

 

Kỳ tới: Một kiệt tác chính trị

70 năm đã trôi qua nhưng tiếng Bác Hồ như vẫn còn vang vọng: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo