Thế nhưng, rừng nhiều nơi vẫn tiếp tục bị tàn phá.
Thực tế, tình trạng xâm hại rừng không chỉ mới xảy ra. Chuyện bức tử đại ngàn đã diễn ra lâu nay, với quy mô ngày càng lớn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), chỉ riêng Tây Nguyên, 30 năm qua đã mất hơn 1,5 triệu ha rừng (chiếm khoảng 41% diện tích rừng). Khủng khiếp hơn, chỉ trong 5 năm trở lại đây (từ 2010 đến đầu năm 2015), trữ lượng rừng của khu vực này giảm hơn 57 triệu m3 (tương đương 17,4%) mà nguyên nhân chính là do tình trạng vi phạm lâm luật với hàng chục ngàn vụ bị phát hiện, xử lý mỗi năm.
Trong khi đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT, đến đầu năm 2015, mới có 28/55 tỉnh, thành phố trồng được rừng thay thế với khoảng gần 7.200 ha. Thậm chí, loại rừng giàu chiếm tỉ lệ rất thấp (10,4%), trong khi có đến 67% là loại rừng nghèo kiệt, còn lại là trung bình.
Những con số khô khốc vừa nêu là bằng chứng về lối hành xử tàn bạo của con người đối với thiên nhiên. Tất nhiên, gieo nhân nào thì gặt quả ấy!
Mới đây thôi, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL làm hơn 300.000 ha lúa, hoa màu thiệt hại nặng, hàng triệu nông dân khốn khó phải vét từng giọt nước ngọt để chống chọi qua ngày. Rồi nắng nóng dữ dội ở hầu hết các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên khiến hàng trăm ngàn cây trồng cháy úa; gia súc nằm bẹp, phơi trong nắng lửa; hơn gần nửa triệu người quắt queo, túng bấn... Những chuyện đau lòng ấy được liên tiếp đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Vì sao có sự khốc liệt ấy? Các nhà khoa học, chuyên gia khí tượng, thủy văn đã chỉ ra rằng đó chính là cái kết oan nghiệt không thể tránh khỏi do chính con người tạo ra. Khi “lá phổi xanh” bị bức tử không thương tiếc sẽ kéo theo sự biến đổi khí hậu dữ dội, với những hậu quả khôn lường.
Còn nhớ, trận đại hồng thủy kinh hoàng năm 2009 đã nhấn chìm nhiều làng mạc đầu nguồn của một số tỉnh miền Trung. Lũ rút, có nơi người dân vùng hạ lưu phát hiện hàng trăm cây gỗ to, có giá trị, vướng lại trong vườn rẫy, ruộng đồng, bãi bồi. Thế mới thấy rằng rừng vốn dĩ là “lá chắn thép” để ngăn lũ cho đồng bằng nhưng lại bị tàn phá không thương tiếc, rồi bị cuốn trôi theo dòng nước.
Dân gian có câu “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Nhưng với thảm trạng tan hoang của rừng đầu nguồn hiện nay do lòng tham của con người, liệu những chồi non còn sót lại đâu đó giữa đại ngàn có đủ sức để vươn xanh?
Bình luận (0)