Từ những tin nhắn có giá trị này, Công an tỉnh Khánh Hòa đã điều tra làm rõ hơn 10 vụ án, bắt giữ hàng chục đối tượng phạm tội. Đơn cử như vụ án cướp giật tài sản xảy ra vào trưa 20-5, tại khu vực Bãi Tiên (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang). Nạn nhân trong vụ này bị bọn cướp làm ngã xuống đường, chấn thương sọ não, tử vong tại bệnh viện. Từ tin báo của người dân qua Facebook, Công an tỉnh Khánh Hòa vào cuộc và chỉ sau một tuần đã bắt giữ 2 trong số 4 nghi phạm.
Trước đó, cũng từ tin báo của người dân qua Facebook, Công an TP Nha Trang đã bắt khẩn cấp Nguyễn Khánh Duy và Nguyễn Hữu Quốc Anh - 2 đối tượng gây ra vụ cướp xe máy sau 2 ngày lẩn trốn.
Những kết quả trên tuy chỉ là bước đầu nhưng phải khách quan nhìn nhận việc sử dụng công nghệ thông tin qua trang mạng xã hội để phát huy hiệu quả tai mắt nhân dân trong việc phòng chống tội phạm của Công an tỉnh Khánh Hòa là cách làm hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế xã hội hiện nay.
Mới đây, Chủ tịch UBND quận 12, TP HCM Lê Trương Hải Hiếu đã đề ra chủ trương “Vì quận 12 bình yên”, trong đó quy định các mức thưởng bằng tiền mặt cho người dân cung cấp tin nhắn tố giác tội phạm có giá trị hoặc trực tiếp bắt đối tượng phạm tội. Ông Hiếu cho rằng mục tiêu của TP HCM là xây dựng thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” nên quận 12 cũng trong quỹ đạo ấy. Để đạt được điều này, ngoài nỗ lực của chính quyền thì không thể thiếu sự đồng hành tích cực, có hiệu quả của người dân. Chính Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng từng khẳng định: “10 triệu dân TP lại chịu để thua thảo khấu sao?”. Ý tứ của ông Thăng rất rõ: Nếu chính quyền và cơ quan chức năng quyết liệt phòng chống tội phạm trên cơ sở dựa vào sức dân thì lo gì xã hội không yên bình.
Những việc làm của Công an tỉnh Khánh Hòa và kế hoạch mà quận 12, TP HCM đưa ra là ý tưởng hay, đáng khích lệ nhưng có lẽ còn quá sớm để đánh giá hiệu quả thực sự của nó. Duy có một điều cần khẳng định là nếu không đặt niềm tin vào dân, không lấy dân làm chỗ dựa căn bản để đấu tranh với các loại tội phạm thì dẫu lực lượng cảnh sát có mạnh đến mấy thì cũng khó đạt được kết quả trọn vẹn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Lực lượng công an dù có vài ba vạn đi nữa thì vẫn ít lắm vì chỉ có vài ba vạn cặp mắt, vài ba vạn đôi bàn tay. Phải dựa vào dân để có hàng triệu cặp mắt, hàng triệu đôi bàn tay trong tấn công, phòng chống tội phạm.
Chỉ lệnh hành động của ngành công an là “Vì bình yên cuộc sống”. Để thực hiện mục tiêu to lớn ấy đòi hỏi cả xã hội cùng vào cuộc. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa người dân phải cáng đáng công việc của cơ quan chức năng hay lực lượng công an. Nhưng có lẽ không “cú đấm” thẳng nào vào tội phạm mạnh mẽ hơn sức dân, không biện pháp nào soi rọi rõ dấu chân tội phạm hơn bằng tai mắt của dân.
Lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” xem ra vẫn vẹn nguyên giá trị.
Bình luận (0)