Ngay sau khi Báo NLĐ ngày 10-1 đăng bài viết “Hốt bạc trên đầu trẻ mồ côi” phản ánh việc kinh doanh từ thiện tại “chùa” Tiên Phước 2 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân - TPHCM), đông đảo bạn đọc đã gửi phản hồi đến tòa soạn cung cấp nhiều thông tin liên quan đến hoạt động mờ ám của “chùa” Tiên Phước 2 do bà Nguyễn Thị Vân làm chủ và đề nghị cơ quan chức năng sớm đưa các cháu về chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước trên địa bàn TP.
Các cháu bé ở Tiên Phước 2 xúm lại bên thùng sữa do nhà hảo tâm mang đến. Ảnh chụp ngày 2-1
Muốn đưa con về, trả 100 triệu đồng!
Trong số 13 trẻ mồ côi đang ở trong Tiên Phước 2, có một cậu bé 13 tuổi làm việc không ngơi nghỉ để chăm sóc cho các em nhỏ, đó là em Đào Quốc Khánh (được bà Vân đặt tên khác là Tiến).
Do các bảo mẫu chịu không nổi sự hà khắc của bà Vân đã nghỉ việc nên hầu hết các công việc của “vú em”, “ô sin”... đều đặt lên vai của cậu bé này. Ngày 10-1, chúng tôi tìm gặp được anh Đào Quốc Việt, cha của Khánh tại nhà trọ số 76B An Dương Vương, phường 16, quận 8.
Anh cho biết vào năm 2003, hai vợ chồng ly hôn và cuộc sống quá khó khăn, tình cờ trong lúc đi làm thợ xây, thấy “chùa” Tiên Phước 2 nhận nuôi trẻ mồ côi nên gửi Khánh vào. Sau này, nhiều nhà từ thiện và người dân ở gần “chùa” gọi điện báo cháu Khánh bị đánh đập, anh Việt đã nhiều lần đến thăm con.
Tuy nhiên, bà Vân luôn phản đối và ngăn cản hai cha con gặp mặt. Người cha này phải canh chừng lúc bà ta đi vắng, đến đứng ngoài cửa gọi con.
Mỗi lần như vậy, anh đều dùng điện thoại di động chụp lại các vết thương trên mặt, trên đầu Khánh. “Nghĩ đây là cơ sở của nhà Phật nên tôi yên tâm lắm, không ngờ bà ta ác thế. Cách đây khoảng 3 tháng, tôi cố một lần nữa năn nỉ cho cháu về với gia đình nhưng bà Vân đòi đưa 100 triệu đồng công nuôi dưỡng” – anh Việt nói.
Trong khi bé lớn tuổi như Khánh bị bóc lột sức lao động thì các em nhỏ luôn bị bà Vân để trong tình trạng nhếnh nhác, đói và bệnh tật để dễ quyên góp tiền từ thiện. Mỗi khi nhà hảo tâm góp tiền mua máy lạnh, quạt, nệm... để phục vụ cho các bé mồ côi thì ngay sau đó bà Vân cho gỡ ra bán hoặc cất đi.
Những người đến làm từ thiện tại Tiên Phước 2 cho biết luôn cảm thấy bất an vì thường xuyên thấy các em nhỏ bị thương, ăn uống, ngủ nghỉ mất vệ sinh và không an toàn.
Báo cáo bỏ quên cháu bé!
Chiều cùng ngày, làm việc với phóng viên Báo NLĐ, khi chúng tôi đặt vấn đề về trách nhiệm địa phương để một ngôi chùa tự phát (chưa được Giáo hội Phật giáo công nhận) nhận nuôi hàng chục trẻ trong điều kiện không bảo đảm, ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, dẫn ra nhiều văn bản và cho biết từ giữa tháng 10-2010, quận đã có hàng loạt chỉ đạo cho 9 ban, ngành quyết liệt vào cuộc thanh-kiểm tra để xử lý dứt điểm những sai phạm của bà Nguyễn Thị Vân.
Trong đó, lãnh đạo quận đề nghị Phòng LĐ-TB-XH lập tổ giám sát hoạt động của Tiên Phước 2 và bà Vân; phòng y tế kiểm tra sức khỏe các cháu, nếu có bé nào không bảo đảm sức khỏe thì tổ chức khám và chữa trị ngay; công an theo dõi các hành vi của bà Vân...
“Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể và yêu cầu các báo cáo cũng thật cụ thể để xử lý kịp thời nhưng thật tình tôi không hài lòng, bởi báo cáo của phường còn quá chung chung” - ông Mười nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi Báo NLĐ phản ánh vụ việc, chiều cùng ngày, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, đã ký báo cáo gửi lãnh đạo UBND quận Bình Tân, trong đó có nội dung “...phường tiếp tục theo dõi, hỗ trợ cơ sở như đến thăm, tổ chức khám sức khỏe cho tất cả các cháu... Nhìn chung, chủ cơ sở đã bước đầu khắc phục (!?)”.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là cháu Nguyễn Thanh Hoa Quỳnh (chưa đầy 7 tháng tuổi) đã chết vào lúc 23 giờ 10 phút ngày 9-1, nhưng bản báo cáo không hề nhắc đến. Mãi đến chiều cùng ngày, chúng tôi gọi điện thoại thông báo thì cả lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH lẫn UBND quận Bình Tân mới biết vụ việc.
Sau đó, ông Mười gọi điện hỏi UBND phường thì đơn vị này mới fax lên giấy báo tử vong trước khi nhập viện (do Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp) và giấy chứng tử của cháu Hoa Quỳnh do UBND phường Bình Hưng Hòa B cấp.
Theo ông Mười, nguyên nhân chính đến nay vẫn chưa “xóa sổ” được Tiên Phước 2 là do phải chờ kết luận thanh tra của Sở LĐ-TB-XH.
“Ngày 18-10-2010, UBND quận thống nhất lập đoàn thanh tra đối với Tiên Phước 2 thì đến ngày 25-10, Sở LĐ-TB-XH cũng thành lập đoàn thanh tra theo với Quyết định số 1581. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có kết quả và chúng tôi rất nóng lòng. Cách đây 5 ngày, tôi có chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH quận phải gửi đề nghị sở sớm ra kết luận thanh tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm nên quận rất khó xử lý” - ông Mười nói.
Bé Hoa Quỳnh đã tử vong!
Chiều 10-1, tim tôi như thắt lại. Một cuộc điện thoại từ bạn đọc Ng.T.H, chị cho biết bé Nguyễn Thanh Hoa Quỳnh-nhân vật nêu trong bài viết - đã tử vong vào lúc 23 giờ 10 phút ngày 9-1!
Tôi chợt nhớ lại nhiều bạn đọc là phụ nữ chứng kiến bệnh tình của bé, đã cầu cứu đến Báo NLĐ rất khẩn thiết: Hãy cứu lấy Hoa Quỳnh, hãy nhanh chóng đưa 13 em bé tội nghiệp ra khỏi chốn này! Lòng tôi nghẹn lại: Vậy là không cứu kịp sinh linh bé bỏng ấy. Báo đã đăng, đông đảo bạn đọc cùng phẫn nộ, chính quyền đang rốt ráo vào cuộc xử lý nhưng không thể cứu được Hoa Quỳnh nữa rồi!
Bé Hoa Quỳnh khi còn sống luôn quẫy đạp vì ghẻ ngứa đầy mình
Khi tôi trong vai người làm từ thiện tiếp cận ngôi “chùa giả” của bà Nguyễn Thị Vân vào ngày 2-1 để viết bài phản ánh, bé Hoa Quỳnh nằm trong nôi, khóc khá nhiều, hai tay cào tung cả áo lên để gãi ngứa khiến những người đến thăm ứa nước mắt.
Hoa Quỳnh bị bệnh não úng thủy ở mức nhẹ nhưng người rất yếu và toàn thân đầy ghẻ lở. Thông tin từ người dân quanh “chùa” và các nhà làm từ thiện đều khẳng định có người sẵn sàng bỏ tiền túi để đưa Quỳnh đi bệnh viện điều trị nhưng bà Vân đã giữ lại vì từ nhiều tháng qua, em chính là người thu hút nhiều nhất lòng thương cảm và tiền bạc từ khắp nơi.
Lòng tôi càng nhói đau khi được biết Hoa Quỳnh là em bé thứ ba tại cơ sở này tử vong.
Hồng Sơn |
Bình luận (0)