Chiều 25-1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) làm việc về công tác nhân sự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch, thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc báo cáo tổng hợp việc ứng cử, đề cử và xin rút của các đoàn và đại biểu tại đại hội.
220 ứng viên bầu ủy viên chính thức
Làm việc đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, Đại hội XII đã biểu quyết thông qua danh sách bầu cử gồm 246 người để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trong đó có 220 người trong danh sách bầu ủy viên chính thức, 26 người trong danh sách bầu ủy viên dự khuyết.
Trước đó, chiều 23-1, đại hội đã biểu quyết thông qua số lượng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 ủy viên (khóa XI là 200 ủy viên, gồm 175 chính thức và 25 dự khuyết), gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Trong khi đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã giới thiệu với đại hội danh sách 221 nhân sự bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (199 người vào danh sách chính thức và 22 người vào danh sách dự khuyết). Tại Đại hội XII, các đại biểu đã giới thiệu thêm 62 người. Tuy nhiên, Đại hội XII đã biểu quyết số dư để bầu vào Trung ương khóa XII không quá 30%.
Để bảo đảm số dư không vượt quá tỉ lệ đã quy định, Đại hội XII chiều 25-1 đã tiến hành “chốt” danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Trong số 62 nhân sự được giới thiệu thêm vào danh sách bầu Trung ương chính thức, Đại hội XII đã biểu quyết đồng ý cho rút 23 trường hợp (có 15 người nằm trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong đó có những lãnh đạo chủ chốt). Ngoài ra, 1 trường hợp giới thiệu tại Đại hội XII nhưng trùng với danh sách mà Trung ương khóa XI đã giới thiệu; những người còn lại là các trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ không hợp lệ…
Theo chương trình Đại hội XII, sáng nay (26-1), đại hội làm việc tại hội trường để bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Sau khi nhận phiếu bầu theo 2 danh sách bầu ủy viên Trung ương chính thức và ủy viên Trung ương dự khuyết, các đại biểu sẽ tiến hành lựa chọn những người xứng đáng để từ 9 giờ 30 phút bắt đầu bỏ phiếu. Sau khi có danh sách trúng cử, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ họp hội nghị lần thứ nhất vào ngày 27-1 để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Các đại biểu trong ngày làm việc thứ tư của Đại hội XII Ảnh: TTXVN
Nhiều lãnh đạo chủ chốt được rút
Theo kết quả bỏ phiếu tại Đại hội XII vào chiều tối 25-1, đại hội đã đồng ý để tất cả 29 người (có 15 Ủy viên Trung ương khóa XI) được các đại biểu đề cử tại đại hội được rút khỏi danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Trước đó, 29 người trong tổng số 62 người được đại biểu Đại hội XII giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã tự nguyện xin rút. Trong số này có 23 người được đề cử ủy viên Trung ương chính thức và 6 người được đề cử ủy viên Trung ương dự khuyết.
Trong số 29 người mà Đại hội XII cho rút khỏi danh sách giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại đại hội có các lãnh đạo chủ chốt khóa XI như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.... Trước đó, các nhân sự nằm trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhưng không được Trung ương khóa XI giới thiệu để Đại hội XII bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có các lãnh đạo chủ chốt như: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng...
Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XII, ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương khóa XI, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết trong số gần 50% ủy viên Trung ương khóa XI được các đoàn giới thiệu tái cử, có nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị như: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Chỉ đạo Đảng bộ TP HCM Lê Thanh Hải, Chỉ đạo Đảng bộ TP Hà Nội Phạm Quang Nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa…
Tại Đại hội XII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng… đã được các đại biểu đề cử vào danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Song, các lãnh đạo chủ chốt của khóa XI không được Trung ương khóa XI giới thiệu như: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng… đều đã xin rút khỏi danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đại biểu Trần Văn Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội:
Nhiệm vụ Ban Chấp hành Trung ương khóa XII rất nặng nề
Yêu cầu đối với các Ủy viên Trung ương khóa XII, đặc biệt là với các đồng chí tham gia Trung ương lần đầu, cao hơn khóa XI rất nhiều vì tình hình quốc tế trong nhiệm kỳ tới diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề biển Đông, khủng bố, xung đột sắc tộc… Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong đó, ngoài mục tiêu kinh tế là chính thì nó vẫn mang màu sắc chính trị, tức là tập hợp các lực lượng thành từng khối, từng khu vực để kiềm chế, đối trọng lẫn nhau.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành khóa XII còn phải tập trung nghiên cứu để chuyển sang giai đoạn phát triển mới của đất nước. Cho nên, 6 nhiệm vụ cơ bản trong báo cáo chính trị, Tổng Bí thư trình bày đã đầy đủ nhưng vẫn yêu cầu Trung ương khóa XII phải tạo ra một chu kỳ đổi mới khác. Tức là chọn mũi nhọn nào sẽ tác động trực tiếp đến chúng ta nhưng đồng thời phải hội nhập được với thế giới.
Có thể nói áp lực đối với Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là rất lớn. Nhất là chúng ta đang ở ngưỡng rất thấp, mà kỳ vọng của Đảng là đã hội nhập sâu thì phải phát triển cao hơn, sâu hơn, bền vững hơn, đặc biệt là áp lực trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Đại biểu Lương Minh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên:
Giới thiệu thêm để lựa chọn người đủ đức, đủ tài
Tôi thấy việc chuẩn bị danh sách nhân sự của Trung ương lần này hết sức chu đáo, công phu, có sự kế thừa của 3 độ tuổi. Tỉ lệ cán bộ trẻ cũng bảo đảm được yêu cầu đặt ra trong đề án nhân sự. Tôi đồng tình với danh sách những nhân sự “đặc biệt” được giới thiệu tái cử. Với tình hình hiện nay, phải có những đồng chí trong trường hợp “đặc biệt” để bảo đảm sự ổn định chung trong sự phát triển của Đảng và sự phát triển của đất nước, nhất là vấn đề giữ vững sự đoàn kết, ổn định về chính trị và xã hội.
Vấn đề các đại biểu đề cử thêm 62 nhân sự ngoài danh sách do Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu thể hiện việc phát huy dân chủ và trí tuệ của từng đại biểu ở các đoàn, thể hiện sự phát huy dân chủ trong Đảng. Qua đây cũng thể hiện mong mỏi lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, có năng lực thực sự để đảm đương nhiệm vụ.
Đại biểu Lê Hoàng Phụng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng:
Đề cử vượt số dư là phát huy dân chủ
Có thể nói việc một số đồng chí lớn tuổi, tuy được đề cử nhưng chủ động rút đã thể hiện truyền thống của Đảng ta về sự chăm lo, xây dựng, quy hoạch, bảo đảm tính kế thừa. Tất nhiên, đại hội hết sức tôn trọng và mong muốn nhiều đồng chí đóng góp công sức. Nhưng với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, các đồng chí đã tự nguyện nhường lại cho thế hệ trẻ. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, để thế hệ được bồi dưỡng trong quá trình thực hiện các quy hoạch theo Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị được thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, bảo đảm được các quy trình chung.
Việc số lượng được đề cử, giới thiệu thêm tại Đại hội XII vượt quá số dư theo quy định 30% là sự phát huy dân chủ, quyền ứng cử của các đại biểu, quyền đề cử của các đoàn. Trong quá trình đó, đại hội sẽ xem xét để bảo đảm có một số dư thích hợp, theo quy chế là không quá 30%.
Kỳ Dũng
Bình luận (0)