xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó xử lý xe quá tải

Thu Hồng - Bạch Long

Quanh các trạm cân trọng tải xe, nhiều phương tiện sẵn sàng nằm ì “thi gan” với lực lượng chức năng. Thực tế ở nhiều nơi, lực lượng chức năng không đủ kiên nhẫn, đành rút lui hoặc bất lực nhìn xe qua trạm

Sáng 15-4, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động được Đội Thanh tra giao thông (TTGT) số 1 - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM triển khai trên tuyến Nguyễn Văn Linh, quận 7. Trong 3 giờ đầu tiên, hơn 10 xe tải nặng bị thổi vào, hầu hết đều vi phạm chở quá tải từ 30% đến trên 50% so với thiết kế.

TP HCM: Thổi là dính

Cách đó 2 km, tổ công tác của Đội TTGT số 6 cũng lập trạm cân tốc độ chậm tiến hành xử lý xe quá tải từ miền Tây về TP HCM từ đầu tháng 4-2014. Đến nay, đội đã xử phạt 114 trường hợp với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Trong khi đó, Đội TTGT số 7 phối hợp cùng Đội CSGT Bình Triệu lập trạm cân ngay trong Bến xe Ngã tư Ga (quận 12). Chỉ trong 3 giờ có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến hàng chục xe quá tải bị lập biên bản...

Hàng loạt xe tải nằm ì gần trạm cân xe lưu động trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP HCM Ảnh: THU HỒNG
Hàng loạt xe tải nằm ì gần trạm cân xe lưu động trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP HCM Ảnh: THU HỒNG

Theo Thanh tra Sở GTVT TP HCM, từ ngày 1 đến 15-4, TTGT đã xử phạt hơn 250 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Việc kiểm tra tải trọng xe sẽ tiếp tục tiến hành từ nay đến cuối năm, chủ yếu tập trung các tuyến đường trọng điểm và cửa ngõ ra vào TP HCM như Nguyễn Văn Linh, Đồng Văn Cống - Vành đai 2, Quốc lộ 1… và trước các cổng cảng ở 2 quận 4, 7.

Xe tải tấp vào lề Quốc lộ 1 ở Bình Thuận “thi gan” với trạm cân Ảnh: BẠCH LONG
Xe tải tấp vào lề Quốc lộ 1 ở Bình Thuận “thi gan” với trạm cân Ảnh: BẠCH LONG

Dù lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao ngay các cửa ngõ của TP HCM nhưng vẫn không ngăn nổi dòng xe quá tải. Ngay khi Đội TTGT số 1 lắp đặt trạm cân lưu động trên đường Nguyễn Văn Linh, đội ngũ cò cảnh giới hơn 10 người cũng đến đây nghe ngóng. Sau đó, hàng loạt xe tải nặng, xe container đột nhiên “nằm chơi” ven đường.

Trạm cân của Đội TTGT số 6 cũng trong tình trạng tương tự, cả buổi sáng chỉ xử phạt 4 trường hợp nhưng cách đó 300 m, hàng loạt xe tải nằm ì dọc đường, tài xế lang thang đi uống nước hoặc mắc võng nằm ngủ.

Một tài xế xe chở gạo từ miền Tây lên TP HCM cho biết: “Tôi được thuê chở 40 tấn gạo, cộng xác xe là gần 60 tấn, chắc chắn dính tải gần 50% nếu bị thổi vào. Để chắc ăn, tôi đành mắc võng nằm chờ trạm cân dẹp rồi mới chạy tiếp”.

Tại Bến xe Ngã tư Ga, Đội TTGT số 7 cũng gặp khó khăn với lực lượng cò cảnh giới. Dọc Quốc lộ 1, cách trạm cân 200 m, hàng chục xe tải bất chấp đường sá đông đúc vẫn tấp vô lề nằm chờ…

Theo ông Lê Tấn Lực, Đội phó Đội TTGT số 6, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra xe đậu dọc đường thì tài xế đã khóa cửa đi mất. Chưa kể nhiều tuyến đường không cấm dừng, đỗ xe nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, việc hạ tải để xử lý xe quá tải vẫn chưa thực hiện được bởi không có mặt bằng.

“Hầu hết xe quá tải bị lập biên bản, cùng lắm chúng tôi chỉ khuyến cáo, vận động tài xế quay về cảng hoặc kho bỏ hàng bớt. Nếu họ không tuân thủ cũng đành chịu” - một TTGT lo ngại.

“Kiếm nơi đặt trạm cân đã khó, nói gì đến mặt bằng hạ tải. Sau 2 tuần khảo sát, chúng tôi đặt trạm trước Công viên Phần mềm Quang Trung, vừa làm đã bị chủ đầu tư phản ứng, yêu cầu tìm địa điểm khác. Tìm được 2 cây xăng dọc Quốc lộ 1, chúng tôi đến đặt vấn đề thì đều bị từ chối” - ông Trần Quang Cảnh, Đội trưởng Đội TTGT số 7, băn khoăn.

Do hiệu quả xử phạt xe quá tải không cao nên nhiều đội TTGT đã đề xuất Sở GTVT TP HCM kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu các cảng mở cổng, cho phép lực lượng chức năng vào đặt trạm cân để xử lý tận gốc.

Bình Thuận: Tài xế gây sức ép

Sáng 16-4 - ngày thứ 2 trạm cân lưu động đặt tại ngã ba đường vào KCN Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động - chỉ lác đác vài xe “mắc cạn”. Các TTGT ở trạm cân này làm việc khá nhàn nhã.

Trong khi đó, dọc theo Quốc lộ 1 - đoạn từ trạm cân này đến trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) dài khoảng 25 km - hàng trăm xe tải, xe container tấp vào đậu dày đặc bên lề, trong các cây xăng, quán cơm, tuyến đường nhánh... Một số xe tải nặng do đơn hàng gấp đã chủ động hạ tải sang xe nhỏ để vận chuyển.

Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, đột nhiên đoàn xe tải, xe container nối đuôi dài gần 7 km di chuyển chầm chậm trên Quốc lộ 1. CSGT phải huy động thêm lực lượng để phân luồng giao thông và giải tỏa ách tắc. Trạm cân lưu động đành chịu thua, bỏ mặc cho xe tải đi qua.

Đứng thẫn thờ nhìn dòng xe từ từ di chuyển qua trạm, ông Nguyễn Thanh Long, Phó chánh TTGT Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, thừa nhận: “Bất lực rồi! Xe cộ ùn ứ kéo dài quá, lo sẽ gây ách tắc nghiêm trọng nên tôi đành phải gọi xin ý kiến lãnh đạo tỉnh cho giải phóng xe qua trạm”. Đến khoảng 10 giờ 40 phút, lượng xe tải mới bắt đầu giãn ra, giao thông trở nên thông suốt.

Ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh TTGT Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, phân trần: “Lực lượng TTGT của chúng tôi khoảng 20 người, trong khi làm việc tại trạm cân đã hết 10 người. Sáng nay, chúng tôi đi kiểm tra, thấy xe tải nằm lì bên đường nhiều quá. Tôi đã báo cáo với lãnh đạo công an tỉnh đề nghị phối hợp và chi viện thêm lực lượng để hỗ trợ xử lý tình trạng này”.

Trước đó, từ 8 giờ ngày 15-4 đến 8 giờ ngày 16-4, trạm cân lưu động đặt tại KCN Hàm Kiệm đã cân trọng tải cho 203 xe, trong đó có 45 xe vi phạm. Cũng như nhiều địa phương khác, trong ngày đầu tiên trạm cân hoạt động, tình trạng xe tải tránh né cũng xảy ra.

Nhiều tài xế mà chúng tôi gặp trên đường không ngần ngại tiết lộ “chiêu” để đối phó: “Tụi tôi đợi khi có thật nhiều xe và thời điểm thích hợp sẽ nối đuôi nhau chạy, gây sức ép để vượt trạm cân. Chúng tôi chỉ lái xe thuê, chủ bắt chở bao nhiêu là phải theo ý họ. Giờ nếu xe bị phạt, cánh tài xế bọn tôi cũng bị treo bằng cả tháng trời, chẳng làm ăn gì được nữa”.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ; yêu cầu các địa phương, ngành xác định công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.

 

Cần Thơ: Chia 3 ca, trực suốt 24/24 giờ

Từ ngày 14-4, Sở GTVT TP Cần Thơ đưa trạm cân xe di động vào hoạt động trên Quốc lộ 1, đoạn dưới chân cầu Cần Thơ.

Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, khẳng định: “Trạm cân hoạt động 24/24 giờ, chia làm 3 ca trong ngày”. Trước mắt, trạm sẽ kiểm tra tải trọng xe lưu thông từ hướng Vĩnh Long vào cửa ngõ TP Cần Thơ, sau đó sẽ tiến hành theo hướng ngược lại.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều xe chở quá tải đã dừng tại trạm dịch vụ đặt ở đường dẫn cầu Cần Thơ phía bờ Vĩnh Long để hạ tải trước khi qua trạm.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Cần Thơ, cho rằng trường hợp các xe hạ tải phía bờ Vĩnh Long trước khi qua trạm cân cũng rất khó xử lý vì ở đó có trạm dịch vụ. Phương tiện quá tải có dừng lại cũng không thể bắt lỗi họ được.

C.Linh

 

“Cuộc chiến” lâu dài

Hôm nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT sẽ tổ chức hội nghị sơ kết nửa tháng ra quân triển khai kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 16-4, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thừa nhận nhiều địa phương còn rề rà, chậm trễ triển khai chủ trương này.

Thống kê mới nhất của Thanh tra Bộ GTVT cho thấy vẫn còn khoảng 14-16 địa phương chưa triển khai việc kiểm soát trọng tải xe. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, nguyên nhân là do một số địa phương tiếp nhận và làm thủ tục kiểm định cân trọng tải di động muộn hơn so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết đang có chuyện “thi gan” giữa doanh nghiệp (DN) vận tải và lực lượng kiểm soát trọng tải xe. “Có chuyện xe quá tải nằm chờ lực lượng chức năng lơ là để vượt qua trạm kiểm tra. Cũng có chuyện xe quá tải vô tư chạy qua địa phương này không bị phát hiện, tới địa phương khác mới bị kiểm tra, yêu cầu hạ tải và xử lý. Một số địa phương chưa triển khai hoặc còn chậm trễ ra quân kiểm soát xe quá tải đã bị nhắc nhở” - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, Tổng cục Đường bộ đã bàn giao 63 bộ cân trọng tải xe di động cho 63 địa phương. Những nơi có số xe quá tải lưu thông nhiều như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng... có thể sẽ được trang bị thêm trạm cân di động.

Ủng hộ việc xử lý nghiêm xe quá tải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng chỉ có DN làm ăn lôm côm thì mới tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Theo ông, sau khi Bộ GTVT cùng các địa phương quyết liệt triển khai kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải, nhiều DN vận tải hàng hóa tìm mọi cách để phản ứng dây chuyền theo kiểu tiêu cực.

Ông Thanh cho rằng “cuộc chiến” giữa DN vận tải hàng hóa làm ăn lôm côm và các trạm cân trọng tải xe sẽ không hề đơn giản. Nếu Bộ GTVT và các địa phương không làm cẩn thận thì lại lộn xộn như trước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định việc kiểm soát xe chở quá khổ, quá tải sẽ được làm thường xuyên, không có chuyện làm theo phong trào, “bắt cóc bỏ dĩa” như nhiều người lo ngại.

Sắp tới, Thanh tra Bộ GTVT và đại diện Bộ Công an sẽ thành lập các đoàn kiểm tra lực lượng được giao nhiệm vụ vận hành thiết bị cân kiểm soát trọng tải ở các địa phương. “Nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực, bỏ qua việc xử lý xe quá tải sẽ xử lý nghiêm” - ông Huyện nói.

T.Kha

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo