Trước đây, trong một hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy - đã thẳng thắn nhận lỗi với nhân dân về trách nhiệm của mình đối với tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ TP suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ TP; ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ TP. Cùng với nhận lỗi là lời hứa tăng cường đoàn kết, nâng cao bản lĩnh chính trị, ra sức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, quyết tâm khắc phục hạn chế, khuyết điểm, xây dựng Đảng bộ TP trong sạch vững mạnh.
“Được vậy, gia đình tôi mừng lắm!”
Thực hiện lời hứa của người lãnh đạo, không riêng gì ông Lê Thanh Hải mà các thành viên Thường trực Thành ủy, UBND, HĐND và Ủy ban MTTQ TP HCM đều thực hiện việc tiếp công dân ít nhất một lần trong tháng.
Tháng 3 vừa qua, đích thân ông Lê Thanh Hải đã tiếp bà Nhữ Thị Thơm về việc khiếu nại nhà đất kéo dài hơn 20 năm qua. Do căn nhà 152 - 154 Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3 của gia đình bà Thơm có nguồn gốc xây dựng và sử dụng thuộc sở hữu của chế độ cũ, còn nhà chỉ có phần tự khai xây dựng của căn 154 nên chính quyền nhiều lần ra văn bản không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
Lắng nghe toàn bộ sự việc từ gia đình bà Thơm và các cơ quan ban ngành, ông Lê Thanh Hải khẳng định: “Trong trường hợp không phát sinh thêm những văn bản nào của cơ quan hành chính nhà nước mà trái với hồ sơ, tài liệu đang được cơ quan chức năng xem xét và không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện gì, các cấp chính quyền TP sẽ cấp giấy chứng nhận nhà đất cho bà trong thời gian sớm nhất”. Nghe đến đây, bà Thơm nghẹn lời: “Được vậy, gia đình tôi mừng lắm!”.
Một trường hợp khác là của ông Nguyễn Tấn Lực. Hơn một năm trước, việc khiếu nại của gia đình ông gần 20 năm, được Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải cho hướng giải quyết thỏa đáng, theo đúng pháp luật chỉ trong 20 phút gặp. Căn nhà của ông Lực tại số 2A Vũ Ngọc Phan, phường 13, quận Bình Thạnh gần 20 năm không có lối ra vì bị ki-ốt của một công ty chắn ngang. Vợ chồng ông đã đem đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng không có kết quả.
Hay như vụ khiếu nại mà ông Phùng Tuấn Ngạn mất 26 năm ròng rã theo đuổi đã khép lại khi được Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải gặp gỡ và giải quyết.
Trước kết luận đúng luật, hợp lý, hợp tình của Bí thư Thành ủy TP, ông Ngạn bộc bạch: “Được ông bí thư dành thời gian nghe giãi bày, tôi rất cảm động. Tôi đi khiếu nại không phải vì cần giá trị căn nhà mà muốn đòi lại lẽ phải nên khi nhận được tiền hỗ trợ phần giá trị căn nhà, tôi xin gửi lại một nửa cho TP giúp đỡ người nghèo”.
Phải thực tâm
Việc nhận lỗi trước dân của lãnh đạo mới đây nhất phải kể đến là Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín. Tại buổi tiếp 6 hộ dân đại diện cho 47 hộ dân trong dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài trên địa bàn quận Gò Vấp, không chỉ nhận lỗi, ông Tín còn cho biết TP quyết định hỗ trợ cho bà con với giá bằng giá bồi thường theo thị trường tại thời điểm bị thu hồi…
Trước sự nhận lỗi và sửa lỗi của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, ông Mạc Nguyên Chung, một trong 6 hộ dân có mặt tại buổi gặp, đã bày tỏ sự vui mừng và hứa sẽ thông báo lại cho 47 hộ dân để có sự đồng thuận cao.
Trước đó, tại một buổi tiếp dân, Phó Chủ tịch UBND quận 11 Nguyễn Hoàng Thái cũng đã xin lỗi dân vì thái độ của một số cán bộ, công chức chưa tốt. Có mặt tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Sai thì phải nhận lỗi nhưng quan trọng nhất là cán bộ, công chức phải sửa chữa thái độ tiếp dân như thế nào chứ không chỉ là nói suông.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc tiếp dân, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng phải hết sức lắng nghe dân, không hình thức thì mới có kết quả. Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, tiếp dân phải thực tâm, thực lòng; xuất phát từ lợi ích của dân chứ không phải làm sao an toàn cho mình; phải đặt mình vào vị trí của người ôm đơn đi kiện hàng chục năm trời.
“Có vấn đề gì rất bức xúc thì người dân mới đeo đuổi trong một thời gian dài như vậy. Nếu đặt mình vào vị trí đó sẽ thấy rất xót xa” - ông Lê Thanh Hải nói.
Về việc nhận lỗi của người lãnh đạo, trong một dịp tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nói: “Trong cuộc sống thực tế, tôi thấy rằng đối với dân thì phải chân thành, đối với Đảng phải thật thà. Có lỗi là phải nhận, phải sửa, dứt khoát phải sửa. Những ai có lỗi mà không nhận, không sửa là sẽ mất uy tín; còn những ai có lỗi dám nhận, dám sửa thì nhân dân sẽ hết sức tha thứ”.
Trọng dân thì mới xin lỗi
Nhà sử học Nguyễn Nhã cho rằng khi người lãnh đạo quý dân, trọng dân thì họ mới xin lỗi. Ở nước ngoài, nhận lỗi và sửa lỗi là chuyện bình thường nhưng ở nước ta, không dễ để nghe lời xin lỗi dân từ những người lãnh đạo. Nhưng nay điều này đã được thay đổi. Dân đã nghe nhiều hơn những lời xin lỗi từ lãnh đạo và quan trọng nhất là đó không phải xin lỗi suông.
Bình luận (0)