Ngày 31-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Đây là dự luật dự kiến được QH thông qua tại kỳ họp này.
Nhà nước phải xin lỗi mà không cần yêu cầu
Trong phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng dự thảo luật xác định trách nhiệm liên đới phải bồi hoàn trong trường hợp có nhiều công chức thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra oan sai vẫn dừng ở quy định mang tính nguyên tắc. Theo bà, cần quy định theo hướng những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã quyết định việc bắt tạm giữ, tạm giam, khởi tố, kết luận điều tra, truy tố, xét xử tuyên người nào đó có tội nhưng sau này người đấy được xác định là oan thì những người tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho ngân sách nhà nước.
Phân tích về trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã chết, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề xuất dự luật quy định nếu họ có tài sản để lại cho người thừa kế thì người thừa kế phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoàn trả do người chết để lại trong phạm vi tài sản được nhận. Như vậy sẽ bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả được thực hiện một cách nghiêm minh, tạo tính răn đe.
Giải trình các ý kiến của ĐB, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng nguyên tắc trách nhiệm bồi thường khi công chức gây ra oan sai là trách nhiệm nhà nước. Công chức làm sai, trước hết nhà nước chịu trách nhiệm và có trách nhiệm hoàn trả. Luật được thiết kế hoàn trả với các trường hợp khác nhau, căn cứ mức độ lỗi của người thi hành công vụ. Về liên đới bồi hoàn thì giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đề cập quy định gây nhiều tranh cãi là người bị oan phải có đơn, cơ quan nhà nước mới xin lỗi công khai, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bình luận: "Chúng ta xây dựng nhà nước văn minh, lịch sự, khi phạm lỗi với ai thì phải xin lỗi trước, nhà nước ta phải lịch sự". Ngoài ra, Việt Nam đang xây dựng một nhà nước phục vụ, không để người dân xin mình mới phục vụ. Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động thay vì bắt buộc người dân phải đòi hỏi.
Đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) cho rằng chất lượng phát biểu của đại biểu còn phụ thuộc vào văn bản chuẩn bị của ban soạn thảo Ảnh: NHI HỒNG
Sửa luật để xử lý cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu
Cùng ngày, QH đã cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của QH. ĐB Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) cho rằng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, cần cân nhắc sự cần thiết bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) việc xem xét cho ý kiến đối với một số luật, như sửa đổi Luật Cán bộ, Công chức sau 9 năm ban hành.
Theo ĐB Phương, lý do sửa đổi không phải chỉ để giải quyết những vướng mắc, chưa đồng bộ trong các quy định về trách nhiệm công vụ và việc xử lý cán bộ, công chức sau khi đã nghỉ hưu, chuyển công tác mà còn nhằm giải quyết vấn đề tinh giản biên chế hiện nay. Hơn nữa, các quy định về bầu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức chưa thực sự gắn với thẩm quyền giám sát và xử lý trách nhiệm đối với người có chức vụ trong hệ thống công vụ. Cùng đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm có tương xứng hay không cũng thường xuyên được nêu ra liên quan đến nhiều vụ việc cụ thể ở cả trung ương và địa phương.
"Thời gian qua, cử tri và công luận rất bức xúc trước những vấn đề đang đặt ra. Tại sao việc đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bỏ lọt một số cán bộ có năng lực yếu kém, gây ra nhiều sai phạm trong quản lý?" - ĐB Phương gay gắt.
Theo ĐB Đắk Lắk này, các quy định về chức danh lãnh đạo, quản lý chưa được tách bạch một cách khoa học, hợp lý với các hệ thống ngạch bậc, chức danh chuyên môn. Vẫn còn biến thể trong hệ thống chức danh "hàm", việc thi nâng ngạch trở thành một cơ chế để giải quyết vấn đề chính sách tiền lương chứ không phải vì nhu cầu chuyên môn.
Đáng chú ý, tại phiên thảo luận, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) và ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đã đề nghị đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Các ĐB này cho rằng cần cấp thiết xây dựng Luật Nhà giáo để theo kịp những thay đổi của ngành giáo dục.
Ngại phát biểu vì sợ sai !
Quan tâm đến chất lượng ĐB phát biểu tại hội trường, ĐB Quàng Văn Hương (Sơn La) cho rằng chất lượng ý kiến tham gia phụ thuộc nhiều vào các văn bản chuẩn bị của ban soạn thảo. "Nhiều ĐB mới tham gia QH lần đầu, không nắm được nội dung luật khác chuyên ngành. Do nghiên cứu không sâu nên họ rất ngại phát biểu bởi tâm lý sợ sai, rồi cũng xấu hổ. Nhiều khi họ cũng cố gắng có bài phát biểu để làm tròn trách nhiệm của mình" - ĐB Hương bộc bạch.
Vì những bất cập trên nên theo ông Hương, nhiều trường hợp khi bấm nút thông qua luật nhưng có nội dung trong luật, ĐB cũng chưa nắm được. Do vậy, ban soạn thảo cần chuẩn bị tài liệu kỹ hơn, tốt hơn để ĐB dễ tiếp cận.
"Thời gian qua, công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo đã chất lượng hơn nhưng vẫn còn những hạn chế như việc gửi văn bản chậm, thời gian gấp, nội dung nhiều. Do vậy, ĐB không có nhiều thời gian nghiên cứu. Tâm lý của các ĐB là cố gắng chọn những lĩnh vực chuyên môn để tham gia phát biểu và cũng cố gắng để bài phát biểu của mình không trùng với bài phát biểu khác" - ông Hương thẳng thắn.
Giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Chiều cùng ngày, QH cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018. Trong các phương án được đưa ra, đa số ĐB đồng tình lựa chọn giám sát 2 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bình luận (0)